Bảo đảm thực tế quyền con người ở Việt Nam

Thời gian vừa qua trên trang mạng xã hội, có bài viết: “Hiến pháp Việt Nam: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”. Mục đích của bài viết là tuyên truyền sai lệch bản chất Hiến pháp Việt Nam, phủ nhận bảo đảm thực tế quyền con người và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, với Nhà nước. Nội dung bài viết thiếu khách quan, sai sự thật nên cần bác bỏ, bởi các lý do sau:

Ảnh minh họa

Một làở Việt Nam, Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng, là đạo luật gốc, quy định những vấn đề hết sức cơ bản của chế độ chính trị và Nhà nước trong đó có quyền con người, quyền công dân. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để xác lập cơ sở pháp lý hoạt động của Nhà nước, Hiến pháp năm 1946 ra đời và được bổ sung, sửa đổi qua các năm 1959, 1980, 1992 và đến nay là Hiến pháp năm 2013. Trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, quyền con người luôn được cụ thể hóa bằng những quyền cơ bản của công dân. Điều 3 trong Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hai là, thực hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Dưới ánh sáng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Đây là mối quan hệ mang tính chính trị – pháp lý, thể hiện sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra, công khai lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân vào hoạch định đường lối lãnh đạo của Đảng ở mỗi kỳ đại hội và các Bộ luật trước khi ban hành, các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình, đề án phát triển đất nước…

Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đến nay, bộ máy nhà nước được xây dựng và hoàn thiện từng bước; nhiệm vụ và quyền hạn của các thiết chế trong bộ máy nhà nước được quy định một cách minh bạch, hạn chế được sự dựa dẫm, ỷ lại và hiệu lực, hiệu quả ngày càng cao… Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Ba là, sự nghiệp đổi mới đã trải qua gần 35 năm và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, quyền con người luôn được bảo đảm và niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày càng được củng cố. Các chủ trương, đường lối, quyết sách chính trị của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước đều vì dân, lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân, để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Từ năm 2016 đến 2019, ngân sách Trung ương đã đầu tư 22.850 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, hộ trợ y tế, đào tạo nghề. Đảng, Nhà nước ta đã xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm pháp luật, nguyên tắc, với phương châm không có vùng cấm, bảo vệ nhân quyền và quyền công dân trên thực tế. Nước ta chưa giàu, nhưng khi dịch Covid – 19 diễn ra, Đảng, Nhà nước đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, của nhân dân trong phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid – 19, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Lũ lụt xảy ra ở các tỉnh miền Trung trong tháng 10 đã gây lên thiệt hại rất lớn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã phê chuẩn đầu tư 500 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho nhân dân 5 tỉnh để ổn định đời sống. Hệ thống chính trị các cấp, mỗi địa phương, mỗi tập thể, mỗi người dân ở trong nước đến kiều bào yêu nước đã hướng về miền Trung thân yêu, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta đang tăng cường thực hiện quyền dân chủ, huy động tối đa trí tuệ của nhân dân để tham gia ý kiến xây dựng các Báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng, đồng thời bảo đảm tốt những lợi ích của nhân dân và sự phát triển của xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy mà, tên Đỗ Kim Thêm, đã tán phát luận điểm lầm lạc, nội dung phủ nhận bản chất ưu việt của chế độ xã hội, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp của Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Chúng ta tin tưởng rằng, người dân Việt Nam sẽ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không bao giờ mắc mưu và bị ảnh hưởng bởi luận điểm sai trái đó./.

(Nhanvanviet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.