Cần chú trọng xử lý thông tin xấu độc trên môi trường mạng

Ngày nay, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội (MXH) đã trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin cho mọi người dân và là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại được tích lũy cùng với sự phát triển, được lưu trữ và cung cấp cho cộng đồng. Bên cạnh mặt tích cực, MXH cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, đầy rẫy những thông tin sai trái, độc hại với các tính chất khác nhau.

Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu mới đây, có tới 47% người dùng mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những thông tin vu khống, bịa đặt “núp bóng” dưới chiêu trò mạng xã hội. Đây là sự nguy hiểm, cần được kiểm soát vì một bộ phận người dùng chưa có ý thức trong thẩm định thông tin trên MXH nhưng đã vội vàng chia sẻ. Hầu như các thông tin về mọi mặt đời sống xã hội đều được cập nhật hàng ngày, hàng giờ… trên mạng internet, MXH và nó đang thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của từng con người, từng gia đình, hay rộng hơn là của xã hội và toàn thế giới. Nó đang trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động một cách trực tiếp làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể; qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội.

Các thông tin xấu độc, bao gồm: Thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, đánh cắp mật khẩu, phát tán virus… ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng; Thông tin sai trái có tính chất chính trị: xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đe dọa an ninh quốc gia; thông tin không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như kích động dâm ô đồi trụy, kích động tình dục, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống …

Các thế lực thù địch, các đối tượng bất mãn và cơ hội chính trị “có truyền thống” như tổ chức khủng bố Việt Tân, Phong trào anh em Dân chủ, Hội cờ vàng… cũng triệt để lợi dụng internet và lập nhiều trang Facebook để truyền bá thông tin giả, xuyên tạc tình hình trong nước. Điển hình là tài khoản “Nhật ký yêu nước”, “Friend of Việt Tân”, “Thanh niên công giáo”, “Radio Chân Trời Mới”, VOA blog… và hàng loạt trang Facebook của Cù Huy Hà Vũ, Đoan Trang, Nguyễn Văn Đài, Bùi Thanh Hiếu, Dũng Vova… đăng tải bài viết, chủ đề (status) với những ngôn ngữ, luận điệu đầy tính kích động, phản động.

Tại Phú Yên, trong thời gian qua nổi lên một số fanpage, mạng xã hội như: Võ An Đôn, Tuyết Diệu, Chuyện làng Yến; Dtdd Thaiquang; Ngô Hào, Lê Phú Yên,… nhằm thu thập, bóp méo, bịa đặt thông tin; nhào nặn trộn lẫn các thông tin đúng – sai, thật – giả; đưa ra các thông tin sai lệch với dụng ý xấu, định hướng dư luận bằng các luận điệu sai trái; đưa thông tin giật gân, lấp lửng… để gây hoài nghi, hoang mang dư luận, gây bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương.

Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa thông tin không chính xác hoặc bịa đặt, làm nhiễu loạn, gây tâm lý hoang mang, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Và cho đến nay, cơ quan chức năng trong nước đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật; đã có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về dịch Covid-19 bị cơ quan chức năng xử lý. Riêng chủ tài khoản có tên là “KOL” đã tung lên gần 300 bài viết với nội dung sai sự thật về dịch bệnh. Tính đến nay, Công an Phú Yên đã ra quyết định xử phạt 9 trường hợp trên địa bàn tỉnh vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19…

Để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, phòng, chống có hiệu quả tác động tiêu cực của internet và các trang mạng xã hội, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đối với hệ thống thông tin nói chung, mạng internet nói riêng; cần quán triệt, định hướng chính trị, nâng cao nhận thức cho các đối tượng khi tiếp cận thông tin, mạng internet, nhất là các trang thông tin, các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp xử lý, ngăn chặn, bóc gỡ kịp thời, không để tán phát trên các trang mạng xã hội và Internet. Chủ động nắm, quản lý, dự báo, thông tin định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước các thông tin xấu độc.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cộng đồng, các tầng lớp nhân dân. Đây là nhóm giải pháp có ý nghĩa then chốt và lâu dài nhằm nâng cao dân trí một cách toàn diện, để mỗi người dân, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có ý thức tự bảo vệ mình và trở thành bộ lọc thông tin, hướng dẫn những người xung quanh nhận biết, sàng lọc các thông tin xấu, thông tin độc hại. Chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho nhân dân thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tác động do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Đồng thời tăng cường sự giám sát, phát hiện thông tin sai phạm từ cộng đồng…

Nguyên Lưu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.