ĐỪNG ĐỂ “PHỐT” LÀM BẨN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Nếu theo dõi trên các trang cá nhân, hội nhóm mạng xã hội (MXH), chúng ta không khó bắt gặp các bài đăng với những nội dung như: phát hiện trà xanh/con giáp thứ 13 cặp kè với người chồng bội bạc; sự bất đồng đối với quan điểm giải quyết, xử lý của cơ quan chức năng liên quan đến quyền lợi của bản thân; phản ánh cách ứng xử, chất lượng phục vụ của một dịch vụ, một sản phẩm nào đó; … Chúng ta thường gọi những bài viết như vậy là “phốt”.

Các bài “phốt” thường nhận được số lượt xem, chia sẻ rất cao, người bình luận, bàn tán tại các bài viết cũng tăng liên tục. Thậm chí, có những trang/nhóm mạng xã hội được lập ra để tập trung các bài “phốt” nhằm tăng lượt tương tác. Dạo gần dây, đăng bài “phốt” cũng đang là “trend” (xu hướng, trào lưu) của những người tham gia MXH.

Có thể hiểu “phốt” là hình thức công khai thông tin của cá nhân, tổ chức lên MXH cho nhiều người cùng biết theo ý kiến chủ quan của một người nào đó, nhằm làm xấu hình ảnh của cá nhân, tổ chức trên cộng đồng mạng. Hình thức phốt được thể hiện đa dạng như đăng bài viết, các bản ghi âm, video, hình ảnh, ảnh chụp màn hình tin nhắn riêng tư, phát trực tiếp video… trên tài khoản facebook cá nhân, các hội nhóm MXH.

Nếu nhìn theo hướng tích cực thì những bài “phốt” có nội dung đúng sẽ giúp cộng đồng mạng nắm, biết được những hành động sai trái, cần lên án và đồng thời giúp cho cơ quan có thẩm quyền nắm bắt giải quyết, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, thực tế “phốt” đang là cách thức được một số người sử dụng để bôi xấu người khác; thậm chí có trường hợp sử dụng những hình ảnh, thông tin giả, bóp méo sự thật để hạ bệ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, giảm uy tín của cá nhân, tổ chức. Vì vậy, “phốt” không chỉ là vấn đề văn hóa hay đạo đức trong sử dụng mạng, mà lớn hơn đó là vấn đề pháp lý.

Pháp luật nước ta đã có những chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi trên không gian mạng của người dùng nhằm mục đích “phốt”, vu khống, xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác… Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Với hành vi đăng thông tin không đúng sự thật xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a Khoản 1 Điều 101 và Điểm e Khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Trường hợp nghiêm trọng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác, tội vu khống hoặc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Khoản 2 Điều 155, Khoản 2 Điều 156, Điều 331 – Bộ luật hình sự 2015.

Tự do ngôn luận trên MXH nói riêng là quyền tự do của mỗi người, nhưng khi áp dụng hình thức “phốt” người khác trên MXH nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác hoặc sử dụng hình ảnh khi chưa được sự cho phép lại trở thành người vi phạm pháp luật. Vì vậy, mỗi người khi sử dụng MXH hãy tỉnh táo khi chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, có chính kiến, tránh hùa theo dư luận; đừng để việc “phốt” trở thành con dao hai lưỡi gây hại cho bản thân./.

(TTYN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *