Ngọn nguồn của “con dốc” tha hóa quyền lực (Bài 3)

Sự tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên không còn là nguy cơ mà đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất trên hành trình xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị và bộ máy công quyền ở nước ta.

Các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân.

Nhưng sự tha hóa quyền lực không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó là tích hợp của nhiều nguyên nhân rất cần phải “mổ xẻ”, bóc tách ở nhiều khía cạnh, góc độ, phương diện.

Thiếu tôi luyện, giữ gìn đạo đức cách mạng – “mép vực” sa ngã

Có ý kiến từng cảnh báo, quyền lực tuyệt đối dễ dẫn đến sự tha hóa tuyệt đối. Nhận định này không có nghĩa là ai có quyền lực cũng bị tha hóa quyền lực; mà thực chất muốn đề cập đến mặt trái của quyền lực rất ghê gớm nếu như người sở hữu quyền lực không tỉnh táo, không tự nghiêm khắc với chính bản thân thì quyền lực luôn có nguy cơ làm họ tự lung lay rồi tự sụp đổ ngay dưới chân mình. Nhất là đối với những người nắm giữ quyền lực lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, có thể chi phối đến nhiều đối tượng, tác động nhiều mặt đến tổ chức, cơ quan, đơn vị thì khi tha hóa quyền lực, hệ lụy kéo theo thật khôn lường.

Một trong những phiên tòa gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội là phiên tòa xét xử sơ thẩm 92 bị cáo trong vụ án “đánh bạc nghìn tỷ” tại tỉnh Phú Thọ (tháng 11-2018). Các bị cáo bị truy tố về 6 tội danh, trong đó có một tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an). Theo cáo trạng, vụ án đánh bạc xuyên quốc gia kéo dài hơn hai năm mà không bị ngăn chặn, xử lý bởi có sự trợ giúp đắc lực của ông Vĩnh và ông Hóa. Được giao nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm công nghệ cao nhưng hai ông này đã biến quyền lực công thành quyền lực tư, biến “thanh bảo kiếm” của Đảng và Nhà nước trở thành “cánh cửa bảo kê” cho các đối tượng tổ chức đánh bạc trái phép trên internet để thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đáng nói hơn, từng giữ cương vị thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhưng ông Phan Văn Vĩnh lại lạm quyền “Ra quyết định trái pháp luật” nên tiếp tục bị khởi tố về tội danh này.

Tại sao một sĩ quan chỉ huy từng tham gia chỉ đạo, trực tiếp đánh phá thành công nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, giành nhiều chiến công xuất sắc và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân như ông Phan Văn Vĩnh, nhưng khi nắm giữ quyền lực cao nhất ở Tổng cục Cảnh sát, ông đã bị sa ngã một cách chóng vánh? Một trong những lý do sâu xa dẫn đến kết cục này, theo nhận định của một chuyên gia chính trị học, là do người trong cuộc từ chỗ thỏa mãn với quyền lực được giao, không chú trọng giữ gìn, bảo trọng quyền lực hiện có mà để cho quyền lực tự thao túng, tự tha hóa. Quyền lực càng cao càng có nguy cơ dễ bị tha hóa-nếu người nắm giữ quyền lực lại sử dụng quyền lực một cách tùy tiện-điều mà người ta ví von có con dao sắc trong tay mà không biết sử dụng, hoặc sử dụng không đúng cách thì ắt sẽ có ngày đứt tay, là vì thế!

Một nguyên nhân khác khiến nhiều quan chức bị lún vào “vết nhơ quyền lực” bởi lòng tham vô đáy, họ tham đến mức mà một lãnh đạo Nhà nước ta đã có lần phải thốt lên là “ăn của dân không từ một cái gì!”. Có nhiều vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn mà khi nhắc đến, bất cứ ai có lương tri cũng phải nhức nhối vì số tiền thất thoát lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, trong đó nổi cộm có vụ án về Phan Văn Anh Vũ đã mua chuộc, tha hóa quyền lực nhiều quan chức cấp cao làm tài sản nhà nước bị thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng.

Đại tá, PGS, TS Võ Văn Hải, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng: “Tình trạng tha hóa quyền lực trước hết xuất phát từ chủ thể nắm giữ quyền lực bị suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị lóa mắt bởi lợi ích vật chất và sử dụng quyền lực một cách tùy tiện, vô trách nhiệm. Đúng như một chính khách nổi tiếng của nước Đức cuối thế kỷ 19 có câu, đại ý: Khi luật pháp chưa hoàn thiện mà quan chức có lương tâm thì vẫn tốt hơn là luật hoàn thiện mà quan chức không có lương tâm. Điều này muốn khẳng định ý thức đạo đức công vụ, trách nhiệm chính trị của quan chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần giữ gìn, bảo vệ sự liêm chính, uy quyền của nhà nước”.

Mặt trái của quá trình chuyển đổi kinh tế-xã hội và “bóng ma” của tâm lý tiểu nông

Quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế, con người Việt Nam đã tiếp nhận, hấp thụ được nhiều yếu tố văn minh, giá trị văn hóa tích cực của thời đại. Người Việt ngày càng cởi mở, năng động, sáng tạo hơn trong nếp nghĩ, lối sống và trong quan hệ, giao lưu với bên ngoài. Nhìn lại hơn 3 thập niên đổi mới, bên cạnh những thành quả to lớn về sự phát triển kinh tế-xã hội và quan hệ ngoại giao, nước ta cũng đã chú trọng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có những vấn đề chúng ta vừa làm vừa tìm đường, thậm chí có lúc phải “dò dẫm” từng bước đi để tránh bị sai đường lạc lối. Trên hành trình đó, dù chưa có sai lầm nào phải trả giá, song ít nhiều cũng đã có những vấp váp, tổn thất, nhất là tổn thất về một bộ phận cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.

Theo nhận định của lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, sự tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thời gian qua tích hợp từ nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do khách quan cần được xem xét thấu đáo. Đất nước trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng nên nhu cầu, đòi hỏi đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế là cần thiết; nhưng cơ chế, chính sách, luật pháp ở nước ta lại chưa hoàn thiện, thậm chí có lúc, có nơi vừa chồng chéo, mâu thuẫn, vừa tạo ra khe hở, khoảng trống, từ đó tạo ra bất cập trong tổ chức thực hiện và tạo cơ hội cho một bộ phận cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm liều, làm ẩu để trục lợi, vi phạm pháp luật.

Mặt khác, ảnh hưởng của “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng nóng vội và bệnh thành tích để thúc đẩy phát triển là mầm mống nảy sinh sự dễ dãi, buông lỏng kỷ luật, kỷ cương dẫn đến tình trạng tùy tiện, lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi của một bộ phận quan chức. Đây chính là “ngã rẽ”, là “con dốc” dẫn cán bộ, đảng viên sa chân vào “vũng lầy” tha hóa quyền lực. Thực tế cho thấy, hàng loạt cán bộ cao cấp, nguyên cán bộ cao cấp ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thời gian qua bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự do không chấp hành, tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về đất đai, đã phần nào minh chứng điều này.

Dưới góc độ văn hóa, sự tha hóa quyền lực còn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tâm lý, quan niệm truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của không ít người Việt Nam. Từ quan niệm thời phong kiến “Triều đình trọng tước” (tức là trọng những người có chức tước, vai vế trong xã hội) đã khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên thời nay tìm mọi cách để chạy chức, chạy quyền, lôi bè kéo cánh, tạo ra những phe phái, cánh hẩu, từ đó làm biến dạng các mối quan hệ trong bộ máy công quyền. Bên cạnh đó, tàn dư của chế độ phong kiến “Một người làm quan cả họ được nhờ”, “cha truyền con nối” vẫn chưa chấm dứt triệt để trong bộ máy công quyền cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho những hiện tượng tha hóa quyền lực có thêm cơ hội sinh sôi, làm tổn hại đến tính chính danh, sự uy nghiêm của thể chế chính trị và bộ máy công quyền.

Vụ việc nhiều quan chức cao cấp bị Trung ương kỷ luật do ưu ái, vun vén cho con mình lên chức quá sớm, quá nhanh như các ông: Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương… cho thấy đã có dấu hiệu biến quyền lực công thành quyền lực gia đình, khiến dư luận xã hội ngao ngán. Hay gần đây, vụ việc con trai của người đứng đầu Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2015-2020 được chỉ định “thần tốc” vào vị trí Bí thư Thành ủy Bắc Ninh khi mới trải qua 9 năm tuổi Đảng (sau nửa tháng nhậm chức phải điều chuyển giữ chức vụ khác) đã phần nào nói lên sự lạm quyền có thể là con đường gần nhất dẫn đến sự tha hóa quyền lực của bản thân người cầm quyền trong thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia tâm lý, trong tâm lý nhân cách của một bộ phận quan chức ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại, đan xen nhiều đặc điểm tâm lý phức tạp. Đó là tâm lý tiểu nông manh mún, cục bộ của con người thời phong kiến; tâm lý mệnh lệnh, gia trưởng của con người thời chiến tranh; tâm lý quan liêu, bảo thủ của con người thời bao cấp; tâm lý cơ hội, thực dụng của con người thời kinh tế thị trường… Các đặc trưng tâm lý đó chính là những bất cập, hạn chế trong nhân cách, từ đó dẫn đến những quan niệm, ứng xử, hành vi của một bộ phận cán bộ, đảng viên không phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và chế độ pháp quyền của nước ta là phải dĩ công vi thượng, thượng tôn pháp luật, phụng công thủ pháp. Vì những mặt trái này nên một số cán bộ coi quyền lực công như quyền lực tư, coi quyền lực của tập thể cơ quan, đơn vị như quyền lực của riêng mình, từ đó lạm quyền, lợi dụng chức quyền để trục lợi mà thực chất là tự làm tha hóa quyền lực nhà nước. 

Phải nhìn sâu xa từ lý do này để thấy được sự tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên bắt nguồn một phần từ đặc điểm tâm lý nhân cách người Việt với những quan niệm, thói quen đã ăn sâu vào máu thịt thì không dễ thay đổi một sớm một chiều, vì thế phải có những biện pháp thực sự căn cơ mới có thể làm chuyển biến vấn đề từ gốc rễ.

Ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Tha hóa quyền lực là một trong những vấn nạn rất đáng quan ngại hiện nay. Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thời gian qua là do chúng ta chậm ban hành và thực hiện cơ chế, quy định cụ thể về kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được chú trọng, chưa chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái, tiêu cực, từ đó làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên càng lún sâu vào sự tha hóa”.

(còn nữa)

THIỆN VĂN/QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *