Tăng cường đấu tranh, phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch trước Ðại hội XIII của Ðảng
Những ngày này, nhân dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang có nhiều hoạt động nỗ lực, thiết thực chào mừng sự kiện chính trị trọng đại của đất nước – Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Thế nhưng, đi ngược với không khí tích cực sôi nổi ấy, vẫn xuất hiện tình trạng không ít việc làm, tiếng nói lạc lõng, thiếu thiện chí, đưa thông tin bịa đặt, xuyên tạc vu cáo, chống phá Ðảng, Nhà nước, phủ nhận những thành quả mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được nhằm gây hoang mang trong dư luận, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng. Ðó là thái độ cần bị phản bác, lên án và phê phán nghiêm khắc.
Thậm chí ngay từ đầu tháng 12-2020, một số trang Facebook, YouTube,… trên mạng đã đưa ra cái gọi là “danh sách Bộ Chính trị, Ban Bí thư” và cả chân dung Tổng Bí thư sau Ðại hội XIII. Bên cạnh việc công khai đưa các tin, bài, ý kiến phỏng vấn… xuyên tạc, chống phá Ðảng, Nhà nước, đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của một số người, các đối tượng này còn tạo dựng một số trang chuyên bàn về Ðại hội. Theo đó, thông tin được cập nhật hằng ngày, nhưng thực chất hầu hết là thông tin bị bóp méo, xuyên tạc, gán ghép, suy diễn, quy chụp rất vô căn cứ. Các hình ảnh, video đăng tải trên các trang này được cắt ghép một cách có dụng ý, thường gắn với những câu từ, phát ngôn giật gân, kích động và hoàn toàn sai sự thật. Ðặc biệt, càng gần đến Ðại hội XIII, các đối tượng càng tăng cường tần suất đưa tin, bài, dựng nhiều video, phóng sự truyền hình, tổ chức giao lưu trực tuyến với một số đối tượng chuyên chống phá Việt Nam ở nước ngoài. Họ áp dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” để từ những điều không có thật song được lặp đi lặp lại nhiều ngày, nhiều lần, nhiều người cùng nói khiến người tiếp cận dễ tin theo, nghe theo. Bằng cách thức ấy, tin giả nhiều khi nghiễm nhiên trở thành là tin thật hoặc trở nên thực thực, hư hư với những ai còn suy nghĩ đơn giản theo kiểu không có lửa làm sao có khói… Ðáng chú ý, rất nhiều thông tin xấu độc, xuyên tạc liên quan trực tiếp đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước được lan truyền với tần suất và dung lượng ngày càng gia tăng. Lợi dụng việc một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Ðảng, pháp luật Nhà nước bị xử lý, chúng xuyên tạc rằng trong nội bộ Ðảng đang phát sinh mâu thuẫn, giăng bẫy để triệt hạ lẫn nhau. Kèm theo những bài viết là video xấu độc được tổ chức trình bày cắt ghép công phu, dựng lên những câu chuyện như thật khiến cho người đọc, người xem dễ nảy sinh suy diễn lệch lạc, méo mó. Mục đích là cố tình tạo ra sự nghi kỵ, chia rẽ mất đoàn kết nội bộ, hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo cấp cao, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Ðảng, nhất là trong thời điểm Ðại hội XIII sắp diễn ra.
Công tác chuẩn bị văn kiện đại hội cũng là chủ đề mà các thế lực thù địch, phản động tập trung đánh phá. Thông qua mạng xã hội, họ ra sức tuyên truyền xuyên tạc văn kiện, hướng lái dư luận thông qua việc góp ý để đưa ra các yêu sách phi lý như đòi xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, đòi đa nguyên đa đảng… “Té nước theo mưa” một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trong nước soạn thảo ra nhiều tài liệu chứa đựng những thông tin bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật về công tác chuẩn bị văn kiện đại hội rồi tán phát trên mạng. Rồi với sự bắt tay, phối hợp một cách nhịp nhàng, từ nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động được đà ca ngợi mô hình các nước phương Tây để đả phá Việt Nam, đồng thời qua đó tìm cách móc nối, lôi kéo những phần tử chống đối ở trong nước, mưu đồ thực hiện chiến thuật “nội công, ngoại kích” nhằm chống phá Ðảng và Nhà nước Việt Nam…
Tôn trọng dân chủ, tạo điều kiện để thực hành dân chủ trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đất nước luôn là chủ trương, chính sách nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong nhiều năm qua. Một trong những biểu hiện có thể nhìn thấy rõ nhất đó là Ðảng và Nhà nước luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp và phản biện của mọi tổ chức xã hội, tầng lớp nhân dân. Trước các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước, đặc biệt trước các kỳ Ðại hội Ðảng, để thực sự phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của toàn dân, Ðảng ta thường xuyên tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức đoàn thể, tầng lớp nhân dân. Ðây là một thí dụ tiêu biểu cho thấy việc thực hành dân chủ về chính trị ở Việt Nam, đồng thời cũng là nền tảng quan trọng, căn cốt để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Liên quan đến công tác chuẩn bị Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, Ðảng ta đặc biệt chú trọng lựa chọn, xây dựng một đội ngũ lãnh đạo, đủ đức, đủ tài. Công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự vào các chức danh lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII trình Ðại hội của Ðảng đã và đang được Ðảng ta tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khách quan, minh bạch. Mặc dù đặt vấn đề từ rất sớm và đã bàn ở nhiều hội nghị trước đây nhưng công tác nhân sự được Ðảng ta tiếp tục bàn bạc, xem xét thảo luận tại Hội nghị Trung ương 14 và sắp tới là Trung ương 15 cũng như tại nhiều phiên họp quan trọng khác. Ðiều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 14 vừa qua: “Căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới và thực tế đội ngũ cán bộ hiện có, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách dân chủ, khách quan, toàn diện; rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra… Việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII là công việc kế thừa, tiếp nối của công tác quy hoạch cán bộ, rất hệ trọng và liên quan đến thành công của Ðại hội XIII của Ðảng và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới”. Bên cạnh việc chuẩn bị nhân sự, công tác chuẩn bị văn kiện trình Ðại hội được Ðảng ta tiến hành hết sức khoa học, tâm huyết, thẳng thắn và cầu thị, luôn sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu mọi đóng góp xác đáng, trách nhiệm cao của các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước. Nhìn lại các khâu, các bước trong quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện Ðại hội cho thấy đây thật sự là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn xã hội. Ðảng ta luôn xác định việc đóng góp ý kiến, tiếp thu ý kiến không chỉ nhằm phát huy trí tuệ của toàn dân, toàn xã hội, mà còn góp phần tạo động lực thúc đẩy phong trào hành động cách mạng, phát huy sức mạnh của tập thể, sức mạnh của lòng dân trong tổ chức triển khai thực hiện, để sau Ðại hội XIII, Nghị quyết của Ðại hội sớm đi vào cuộc sống.
Có thể khẳng định công tác chuẩn bị cho Ðại hội XIII đã được toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện hết sức nghiêm túc, bài bản và khoa học, đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc, chú trọng cơ cấu, tiêu chuẩn và bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy, những chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch thời gian qua đã ít nhiều gây ra một số tác động tiêu cực. Một số người dân do nhẹ dạ, mất cảnh giác, thiếu thông tin đã nghe theo loại thông tin xấu độc, chưa được kiểm chứng dẫn đến nảy sinh tiêu cực, suy thoái, cơ hội. Ðáng trách trong đó còn có một số cán bộ, đảng viên thiếu cảnh giác, tỉnh táo trước thông tin bịa đặt, xuyên tạc, không phát huy tinh thần gương mẫu, không nỗ lực tham gia tuyên truyền, định hướng thông tin trong nhân dân, thậm chí có người còn a dua, đưa ra bình luận, nhận định vô trách nhiệm, khiến thông tin càng thêm nhiễu loạn, phức tạp, gây hoang mang dư luận. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, công tác tư tưởng, đấu tranh phòng chống, ngăn chặn, xử lý thông tin sai sự thật, xấu độc cần tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả dưới nhiều hình thức cũng như tạo sự lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội.
Càng gần tới ngày diễn ra Ðại hội XIII của Ðảng, tình trạng phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt càng diễn ra với mức độ gay gắt và tinh vi hơn. Các thế lực thù địch tìm mọi cách cấu kết trong ngoài chặt chẽ, có sự phối hợp giữa các cá nhân, hội nhóm và tiến hành theo kiểu chiến dịch ngày càng ráo riết hơn. Ðể phòng, chống hiệu quả những thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá trước thềm Ðại hội XIII của Ðảng, chúng ta cần phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện xử lý những cá nhân đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm và năng lực đấu tranh phản bác trong nhân dân. Ðặc biệt cần phát huy tốt vai trò của báo chí, truyền thông trong định hướng dư luận và đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần xác định đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nói chung, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt chống phá Ðại hội XIII của Ðảng nói riêng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Trong đó, công tác tuyên truyền đấu tranh cần được tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ, nâng cao tính thuyết phục, quan tâm giáo dục, thuyết phục để đông đảo quần chúng nhận diện rõ tâm địa của các thế lực thù địch, phản động và tác hại của thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Với mỗi cá nhân, cần luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin, nhất là từ mạng xã hội, tiếp nhận có kiểm chứng để kịp thời phát hiện và chính kiến trước những thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt. Từ đó nâng cao “sức đề kháng”, tăng khả năng “miễn dịch”, tránh rơi vào bẫy tin giả hoặc a dua, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động. Sự đoàn kết nhất trí một lòng của toàn Ðảng, toàn dân sẽ là sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ thù.