“Thơ việt nam hiện đại chỉ có Thơ mới và Thơ trẻ” – luận điểm phi lý, cần đấu tranh bác bỏ

Thời gian qua, có một số người đưa ra quan điểm: “Thơ Việt Nam hiện đại chỉ có Thơ mới và Thơ trẻ”, còn thơ thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thơ minh họa”, “quê mùa”, “tỉnh lẻ”, v.v. Đây là luận điểm vô căn cứ, phiến diện, thô thiển, xu hướng lệch lạc rất đáng lo ngại; là tác động của “diễn biến hòa bình” đã chuyển thành “tự diễn biến”, cần nhận diện rõ và loại khỏi đời sống văn hóa, xã hội.

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, văn học nghệ thuật Việt Nam từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đến nay đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Không gian sáng tạo, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác,… được mở rộng; đã tiếp cận mạnh mẽ hiện thực mới, làm sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn; xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị trong tất cả các ngành văn học nghệ thuật. Đội ngũ sáng tác được bổ sung nhiều tài năng trẻ, mang dấu ấn thế hệ mới, đem đến nhiều sinh khí mới cho phong trào văn học nghệ thuật cả nước. Giao lưu văn học nghệ thuật được mở rộng; công cuộc đổi mới, mở cửa đem đến sự thông thoáng trong cách nhìn, cách nghĩ, cùng sự tiến bộ của công nghệ thông tin đã tạo cho các tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều cơ hội tiếp cận với công chúng.

Bên cạnh mặt tích cực, lĩnh vực văn học nghệ thuật trong nước cũng còn hạn chế, tồn tại, thậm chí là quá đà, lệch lạc với quan điểm hoài nghi, sai trái, trong đó có cái gọi là “Thơ mới” và “Thơ trẻ”. Họ cho rằng, thơ Việt Nam hiện đại chỉ có Thơ mới và Thơ trẻ; cần “đổi gác” trong thơ, vì thơ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã làm xong nhiệm vụ, phải “thay gác”, bàn giao cho Thơ mới và Thơ trẻ. Họ cho Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là thứ thơ tuyên truyền, thơ chính trị, thơ hô hào, nghệ thuật thấp(!). Nhóm Mở miệng1 xuất hiện trên Talawat – một mạng chống cộng của Phạm Thị Hoài và các trang website khác, như: Evan, Tiền Vệ,… trong nhiều năm qua hoạt động với mục đích là đối trọng, đối lập, thậm chí là phản kháng với nền thơ chân chính. Họ đã xúc phạm các giá trị tinh hoa của dân tộc, chống Nhà nước, chống chế độ với nhiều bài thơ tục tĩu – một mớ ngôn từ bẩn thỉu, hỗn độn, dùng thủ pháp giễu nhại để vu cáo, xuyên tạc, bôi bẩn các giá trị văn hóa của dân tộc. Đây là thứ “thơ” chống lại thiên chức phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân và rõ ràng là họ đã chuyển từ ý thức phản biện sang ý thức phê phán lật đổ nền thơ ca đã đem lại giá trị đích thực cho con người và dân tộc ta. Điều đó là không thể, cần đấu tranh loại bỏ.

Như chúng ta đã biết, tiêu chí đánh giá một trào lưu văn học nói chung, thơ nói riêng phải căn cứ vào nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Thơ là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng “chân, thiện, mỹ” của con người. Thơ chân chính là miêu tả, phản ánh, suy ngẫm, mơ ước về đời sống và con người. Nó tìm kiếm cái đẹp để ca ngợi, nuôi dưỡng và phát triển; phát hiện cái sai, cái xấu, cái ác để vạch trần, lên án. Mục tiêu là nhân đạo hóa đời sống, làm cho đời sống tinh thần con người ngày càng tốt đẹp; trở thành một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người. Theo đó, thơ là tiếng nói của thời đại, vì lý tưởng cao cả của Tổ quốc, của nhân loại. Ở từng giai đoạn lịch sử, thơ phản ánh hiện thực đời sống giai đoạn lịch sử đó. Lúc xã hội dồn sức cho chống giặc ngoại xâm thì chức năng nhận thức, giáo dục, dùng thơ làm “gươm đạn phá cường quyền” sẽ là chủ đạo. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao hy sinh, gian khổ để đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Có rất nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng đã đồng hành cùng công cuộc trường chinh đó, khích lệ, cổ vũ lòng yêu nước, ý chí tự chủ, tự cường, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, bất khuất trước mọi thế lực ngoại xâm. Đặc biệt, trong thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân ta “một cổ, hai tròng”, rất cần tiếng nói của các nhà thơ đại diện cho tiếng nói của nhân dân, vì cuộc đấu tranh giải phóng cho đất nước. Thơ phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, trở thành vũ khí đấu tranh với cường quyền, bóc lột.

Thực tiễn thơ cách mạng thời kỳ này đã thể hiện niềm tự hào dân tộc, tự hào với truyền thống vẻ vang của ông cha ta trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đã xuất hiện đông đảo đội ngũ nhà thơ giàu năng lực sáng tác và đầy tâm huyết, như lớp nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn,… rồi đến Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm,… đã hăng say bám sát thực tế, chiến trường, lăn lộn trong lao động sản xuất, chiến đấu để sáng tác những bài thơ bất hủ mà ngày nay vẫn còn truyền đọng trong dân gian. Họ đã tạo ra nền thơ ca cách mạng, kháng chiến; sứ mệnh thiêng liêng cao cả của họ đã hòa vào dòng người “xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”, khích lệ tinh thần quả cảm của dân tộc, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc, xây dựng lòng yêu nước, khẳng định tình cảm cao thượng, cái đẹp của con người. Thơ lúc đó thực sự là vũ khí tinh thần có sức mạnh to lớn khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí chiến đấu, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Thơ đã nói lên cảm xúc người dân kháng chiến, thúc đẩy hành động cách mạng cao cả của toàn dân tộc. “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về…/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”2.

Về góc độ nghệ thuật, thơ trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, thời đại, mà còn là một hiện tượng nghệ thuật lớn, đặc sắc, là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có nhiều thành tựu xuất sắc trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Giọng điệu chính luận đanh thép, sắc sảo đã thực sự tạo cho thơ Việt Nam một tâm thế mới, có sức thuyết phục, truyền cảm đối với công chúng. Mỗi nhà thơ, mỗi thế hệ, tuy mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng cùng hướng vào một mục đích chung: vạch mặt quân thù; khẳng định sức mạnh cả nước; tạo cho người đọc ấn tượng đậm nét về tư thế của cả dân tộc; kết án đanh thép tội ác của kẻ thù, thúc đẩy, khích lệ tinh thần yêu nước, giục giã mọi người chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp. Tiêu biểu như: Những bài thơ đánh giặc, Thời sự hè 72 bình luận, Phác thảo cho một trận đánh, Một bài thơ diệt Mỹ,… của nhà thơ Chế Lan Viên; hay Tố Hữu với: Chào xuân 67, Bài ca Xuân 68, Xuân 69, Bài ca Xuân 71…; Xuân Diệu với Từ Cao Lạng tới Vĩnh Linh, Thủ đô trời chiến thắng…; Nguyễn Khoa Điềm với trường ca Mặt trời khát vọng,… Phạm Tiến Duật với Tiểu đội xe không kính, v.v. Các nhà thơ không ngừng tìm tòi, sáng tạo, nhằm tạo dựng một nền thơ lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc, góp phần đáng kể vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là sự phát triển cả về chất lượng và số lượng, cả về phong trào và tác giả, trên cơ sở sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức, giữa truyền thống và hiện đại; nhất quán trong một quan niệm nghệ thuật tích cực, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

Phải chăng thơ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chỉ là “vụn vặt”, “quê mùa”? Không, có chăng, cái gọi là “Thơ mới”, “Thơ trẻ” đã cố tình lờ đi sự hòa quyện nhuần nhuyễn tính khái quát, triết lý giữa “chất thép” và “chất thơ” trong những tác phẩm một thời oanh liệt đó. Họ đâu có nhận ra hoặc cố tình không nhận ra một cách tân đáng kể so với thơ trước cách mạng với những khái quát sâu sắc về đất nước và con người, về hiện tại và tương lai, về dân tộc và thời đại, về lương tâm, trách nhiệm và lẽ sống. Tổ quốc đã được cảm nhận trong thơ từ những nét dáng cụ thể, gần gũi:, “Những cánh đồng thơm mát/Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa”3,… đến tầm vóc của thời đại: “Ôi Việt Nam! Từ trong máu lửa/Người vươn lên một thiên thần”4, v.v. Phải chăng họ đã nhìn nhận đánh giá chỉ thiên về hình thức ngôn từ, chỉ thấy thơ là thơ, chỉ vị nghệ thuật mà quên mất vị nhân sinh, không có chỗ dựa trong nhân sinh, không thấy nhiệm vụ lịch sử; dễ thấy cống hiến, thành tựu mà không thấy hạn chế, nên quá đề cao, tuyệt đối hóa phong trào “Thơ mới” và “Thơ trẻ”. Để rồi, họ lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí mà xuyên tạc, vu khống, bôi bẩn những giá trị thiêng liêng của dân tộc. Như vậy là đã rõ, họ đã cố tình đi ngược lại tất cả những gì là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; hiện nguyên hình là những kẻ lợi dụng văn hóa, thông qua con đường văn hóa để thực hiện dã tâm chống chế độ, chống nhân dân. Đây không phải là hiện tượng cá biệt mà là một xu hướng rất đáng lo ngại; tác động của “diễn biến hòa bình” đã chuyển thành “tự diễn biến”.

Khắc phục điều đó, không gì hơn, toàn thể người dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng trong các cuộc chiến tranh xâm lược của các cường quốc trước kia và đã, đang đoàn kết một lòng xây dựng đất nước trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, những người làm công tác báo chí, xuất bản, các cơ quan lãnh đạo, quản lý văn hóa nghệ thuật cần có quan điểm rõ ràng, phê phán những biểu hiện sai trái, kiên quyết loại cái gọi là “Thơ mới” và “Thơ trẻ” ra khỏi đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ta, đưa văn học nghệ thuật phát triển, lớn mạnh vì sự phát triển con người, đất nước Việt Nam.

Đại tá, TS. PHẠM QUANG THANH và Thiếu tá LÊ ANH VIỆT/TCQPTD
_________________

1 – Xuất hiện từ khoảng năm 1995 đến nay.

2 – Trong tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.

3 – Trong tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.

4 – Trong tác phẩm “Việt Nam máu và hoa” của Tố Hữu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *