CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN KHÔNG VÌ CHỦ TRƯƠNG SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY MÀ THIẾU TRÁCH NHIỆM, LÀM VIỆC CẦM CHỪNG, KÉM HIỆU QUẢ

Tại phiên họp ngày 28/02/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 127-KL/TW chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung nghiên cứu, định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Bộ Chính trị xác định quyết tâm chính trị cao nhất, triển khai thực hiện theo phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng” để hoàn thành công việc với khối lượng rất lớn; quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến các hoạt động của Đảng, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Từ quyết tâm cao của Bộ Chính trị và thực tế các bước triển khai thực hiện theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, cho thấy toàn hệ thống chính trị đang quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vì mục tiêu nhất quán đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Bên cạnh nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng tình quần chúng Nhân dân, thì ở đâu đó vẫn còn có một số trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn nhiều băn khoăn, lo lắng, lo sợ việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân như không còn giữ được chức vụ, bị tinh giản biên chế, mất việc làm, công việc không như ý muốn, đi làm xa nhà…Từ đó giảm sút ý chí phấn đấu, buông xuôi, làm việc cầm chừng, kém hiệu quả, thậm chí có trường hợp xin nghỉ việc để hưởng chế độ, mặc dù đang làm việc ở cơ quan, vị trí không thuộc diện phải sắp xếp, tinh gọn.

Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, do đó đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao, dũng cảm và hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất.

Song song với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta rất nhân văn, giải quyết thấu lý, đạt tình, có sự sắp xếp khoa học, hạn chế đến mức thấp nhất sự xáo trộn tâm lý xã hội và cuộc sống của những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, chính sách tinh giản biên chế được thực hiện có lộ trình và kế hoạch phù hợp. Ngoài ra, bên cạnh việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì việc sắp xếp, lựa chọn cán bộ cũng được quan tâm hàng đầu, tinh thần trách nhiệm và thái độ, hiệu quả trong công việc là tiêu chí để đánh giá, lựa chọn, sắp xếp cán bộ trong giai đoạn tới. Dù trong thời điểm nào thì tinh thần trách nhiệm và hiệu quả trong công việc rất quan trọng, nếu vì sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mà làm việc cầm chừng, buông xuôi, thiếu trách nhiệm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường và hệ lụy xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mỗi người.

Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nâng cao nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ tích cực, phấn đấu trong công việc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Là cán bộ, đảng viên cần phải phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong công việc, trong rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, tuyệt đối không vì nghĩ đến lợi ích cá nhân mà có biểu hiện sa sút ý chí phấn đấu, làm việc cầm chừng, kém hiệu quả, vì chính những hành động này, là một trong những nguy cơ dẫn đến biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi con người chúng ta.

 (PA)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *