Cần nhận diện đúng các vấn đề về chủ quyền Biển Đông

Vấn đề Biển Đông luôn “nóng” không chỉ riêng với các quốc gia có chủ quyền tại đây mà còn là sự kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm. Đồng thời, đây cũng chính là mảnh đất để các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước.

Ảnh minh họa

Gần đây, trên mạng xã hội, các tổ chức khủng bố, phản động như “Việt Tân”, “Đảng Dân chủ nhân dân”, “Đảng Vì dân”, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Một số chiêu trò điển hình như: Lấy cớ việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách chủ quyền trên Biển Đông để tán dương, ca tụng và đòi thả tự do cho các đối tượng có hành vi chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam như Lê Đình Lượng, Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Văn Hóa, Trần Hoàng Phúc… Khuếch trương “thành tích chống Cộng”, họ tự cho mình có vai trò trong việc hướng lái nhân dân chống lại âm mưu và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, qua đó xuyên tạc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề Biển Đông, cổ súy cho việc “bài Trung, thân Mỹ”.

Từ thực tiễn trên, chúng ta cần có cách nhìn nhận đúng đắn vấn đề này.

Trước hết, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử, mọi hành vi phạm tội đều phải bị xử lý theo luật định, trong đó có hành vi chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Lợi dụng cái gọi là “tự do ngôn luận”, các thế lực thù địch thường chụp mũ đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia thành “tù nhân lương tâm”, từ đó kêu gọi, gây sức ép đòi thả tự do.

Các đối tượng đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, chế độ XHCN, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cho nên, các đối tượng phạm tội phải bị xử theo luật định, không thể quy chụp thành “tù nhân lương tâm”, việc kêu gọi thả tự do cho các đối tượng trên hoàn toàn vô lý, lố bịch.

Thứ hai, quan điểm của Việt Nam về giải quyết vấn đề Biển Đông là rõ ràng, nhất quán. Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng khẳng định: “…Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trước những thách thức của thời cuộc, chúng ta luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo, phù hợp tư tưởng ấy của Bác; lấy việc giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, bảo vệ, giữ vững chủ quyền quốc gia, trong đó có chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Thực tiễn đã chứng minh, trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên có các hành động xâm phạm quyền, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương giải quyết thông qua thương lượng hoà bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thực tế cho thấy, bằng chủ trương giải quyết các vấn đề liên quan chủ quyền ở Biển Ðông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả thoả thuận quan trọng với các nước trong khu vực và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ ba, việc Bộ Ngoại giao Mỹ và một số nước khác lên tiếng công khai phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam về tình hình Biển Ðông. Đây là vấn đề Việt Nam và các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông cũng như cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng sự kiện trên để kích động Việt Nam theo Mỹ, chống Trung Quốc.

Về vấn đề này cần quán triệt sâu sắc quan điểm đối tác, đối tượng của Đảng, đó là: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta.

Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Xác định đúng đối tượng, đối tác của Việt Nam là vấn đề hết sức quan trọng, là cơ sở để đề ra đường lối đối nội, đối ngoại cùng với chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là một vấn đề khá “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế.

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta né tránh, để rồi rơi vào trạng thái mơ hồ, mất cảnh giác, mất tính chiến đấu và khó có thể vạch ra chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông hiện nay cũng vậy, chúng ta phải đặc biệt tỉnh táo trước chiêu bài của các phần tử thù địch, phản động. Cảnh giác không thể trở thành con bài chính trị, nhất là của các nước lớn, điều đó sẽ hết sức nguy hiểm cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ tư, âm mưu và hành động độc chiếm Biển Ðông của Trung Quốc là hết sức rõ ràng, đòi hỏi chúng ta phải luôn đấu tranh mạnh mẽ, bền bỉ, không khoan nhượng, sử dụng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, giữ vững mối đoàn kết, bang giao với tất cả các nước; không để xảy ra xung đột, chiến tranh.

Việt Nam không để lệ thuộc về kinh tế; không để bị cô lập, chi phối về chính trị; không để bị lôi kéo đi theo nước này để chống lại nước khác; không để đối đầu về quân sự, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chúng ta kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích; kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm và tránh không để xảy ra xung đột, đụng độ. Vì vậy, quan điểm “bài Trung, thân Mỹ” hoàn toàn không có trong đường lối đối ngoại hay trong quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta.

Giá trị của hòa bình được đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ ông cha. Do đó, chúng ta phải biết trân trọng, nâng niu, giữ gìn. Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hơn lúc nào hết chúng ta thấu hiểu nỗi đau mà chiến tranh gây ra. Do đó, chúng ta bằng mọi biện pháp duy trì hoà bình, ổn định để phát triển; trường hợp chiến tranh là bất khả kháng để tự vệ nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Thực tiễn cho thấy, mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng gây mất ổn định, mất đoàn kết trong nước và quốc tế, làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Do vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo, bình tĩnh, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động; cần thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề Biển Đông, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc.

Chu Xuân Đại Thắng/CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *