CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU PHÁ HOẠI KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TỪ THỦ ĐOẠN KÍCH ĐỘNG KỲ THỊ DÂN TỘC

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người (chiếm 14,68 % tổng dân số), cư trú đan xen nhau, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Xuyên suốt lịch sử, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã đoàn kết cùng nhau xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ. Đồng thời, kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc. Những hành vi gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc. Điều này được quy định rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982 và đến nay đã 5 lần bảo vệ thành công báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD. Thực tế qua hơn 35 năm đổi mới càng chứng minh ở Việt Nam quyền của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Các dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số dẫn chứng sau đây là minh chứng:

Nhứ nhất, trong đời sống chính trị: Tỉ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy chính trị ngày càng tăng. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao so với tỉ lệ dân số và liên tục tăng trong các nhiệm kỳ gần đây, từ chiếm 15,3% (khoá XIII), 17,3% (khoá XIV) và 17,84% (khoá XV) tổng số đại biểu Quốc hội; nhiệm kỳ 2021- 2026, tỉ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 17,09%, cấp huyện là 18,23%, cấp xã là 20,55%. Nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương…

Thứ hai, trong đời sống kinh tế – xã hội: Đời sống kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Sau ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 – 2025), các địa phương đã thực hiện 4.948 công trình trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ 489 hộ về đất ở, 14.760 hộ thiếu đất sản xuất; khởi công 116 dự án bố trí ổn định dân cư, trong đó 29 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; triển khai 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao…

Thứ ba, trong đời sống văn hóa: Đời sống văn hóa tinh thần và tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào dân tộc thiểu số nước ta ngày càng được cải thiện. Năm 2023, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92,8%; tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng đạt trung bình 56,1%. Cơ hội tiếp cận thông tin của người dân tộc thiểu số ngày càng được mở rộng, với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận internet đạt 61,3% (năm 2019), tăng hơn 9 lần so với năm 2015. Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình đạt trung bình 94,9%; tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh 94%…

Thực tế là vậy, song với dã tâm đen tối của mình, trong những năm qua, các thế lực thù địch vẫn không ngừng xuyên tạc các chính sách về dân tộc, gieo rắc tư tưởng dân tộc cực đoan hẹp hòi, kích động, kỳ thị dân tộc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam… Mục đích hòng gây bất ổn tình hình chính trị – xã hội, tạo nguy cơ xung đột, chia cắt đất nước ta thành nhiều vùng, miền, khu vực tự trị của đồng bào dân tộc thiểu số do lực lượng phản động nắm giữ, ly khai khỏi Nhà nước ta, từ đó phá vỡ khối đại đoàn kết, làm suy yếu dân tộc Việt Nam. Việc thực hiện các thủ đoạn kích động, đòi dựng lên cái gọi là “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc, “Vương quốc Chăm”, “Nhà nước Khơme Campuchia Krôm độc lập” ở Tây Nam Bộ hay tuyên truyền tư tưởng “ly khai tự trị”, thành lập “Nhà nước Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên là minh chứng rõ nét cho âm mưu nham hiểm trên. Chúng ta cần hết sức tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh với âm mưu thâm độc, dã tâm đen tối của các thế lực thù địch.

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.