Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng vì sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh của Đảng

Thời gian qua, các phần tử cơ hội, thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng những vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên để xuyên tạc trắng trợn về tình trạng tham nhũng và quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ hiện tượng chúng quy chụp, suy diễn thành bản chất, cho rằng chính chế độ xã hội chủ nghĩa do cơ chế độc đảng lãnh đạo đã gây ra tình trạng tham nhũng trong cán bộ, đảng viên. Bởi chúng cho rằng, không có sự giám sát, phản biện độc lập của một đảng phái khác thì sẽ không trách khỏi việc bao che, dung túng, tiếp tay cho hành vi tham nhũng, tiêu cực của lãnh đạo, chính quyền các cấp…

Âm mưu sâu xa của chúng là hòng gây tâm lý hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, dẫn đến làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân… Từ đó, chúng kích động nhân dân ta đứng lên đòi thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chuyển xã hội ta sang xã hội “tam quyền phân lập”, “đa nguyên, đa đảng”. Đây là thủ đoạn cũ song hết sức nguy hiểm! Chúng ta cần tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc đó của các thế lực thù địch.

Bởi lẽ, thực tế, nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã có 87.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật; trong đó, 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 – 2020 đạt 32,04%. Với phương châm “không có vùng cấm”, thời gian qua, Đảng ta đã quyết liệt xử lý tệ nạn tham nhũng, giúp gia tăng niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó có việc thu hồi khối lượng lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị chiếm dụng. Trong nhiệm kỳ Đại hội khóa XII, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, sự thượng tôn pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Những kết quả tích cực của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là minh chứng hùng hồn phản bác mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về quyết tâm, nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở rằng, ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Người cho rằng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc ngoài mặt trận và khẳng định “đây là mặt trận tư tưởng và chính trị” rất quan trọng. Thực chất nó là thứ “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. Khắc ghi lời Bác dạy, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện quyết liệt, tạo bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Kết quả công tác phòng chống tham nhũng thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, khẳng định việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng là vì sự nghiệp đổi mới của Đảng, làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự cho bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước theo di nguyện của Bác Hồ kính yêu: Phấn đấu xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Hòa Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.