GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH PHÚ YÊN – GÓP PHẦN ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Bản sắc văn hóa dân tộc là tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất đến truyền thống, phong tục, tập quán, lối suy nghĩ, lối ứng xử và hoạt động lao động. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở thành yêu cầu khách quan và là khuynh hướng phát triển tất yếu của nhân loại.

Ảnh minh họa.

1- Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên – Góc nhìn và thực tiễn

Phú Yên có bề dày lịch sử – văn hóa khá lâu đời gắn liền với hơn 30 dân tộc đang cư trú trên địa bàn tỉnh, trong đó ngoài dân tộc Kinh, một số dân tộc thiểu số như Chăm, Êđê, Ba-na, Tày, Nùng, Dao, Hre, Hoa, Mnong,… là những dân tộc đã cư ngụ từ rất lâu đời ở đây. Việc sống hòa thuận giữa các dân tộc đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của Phú Yên trong thời gian qua, tạo nên một nét văn hóa riêng của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số được xem như một nét đặc thù trong bản sắc văn hóa của tỉnh Phú Yên.

Mặc dù đời sống vật chất tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống tinh thần qua những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vô cùng phong phú và đa dạng trên tất cả các lĩnh vực như âm nhạc, sử thi, kiến trúc, lễ hội, ẩm thực, trang phục, tiêu biểu như: nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; cồng chiêng Aráp, đàn môi, đàn Kơni; bộ đàn đá, kèn đá; sử thi Ama Hwứ; nhà sàn, nhà rông; lễ cúng bỏ mả, cúng làng, cúng nước; lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu… Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên không chỉ thể hiện ở sự kế thừa, phát huy bản sắc truyền thống vốn có của mình mà còn mở rộng giao lưu, tiếp thu văn hóa bên ngoài cộng đồng thông qua các Ngày hội văn hóa các dân tộc.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, trong thời gian qua, nhiều phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay, tập quán về ăn, uống, trang phục, hôn nhân dần được chuyển hướng theo phong cách mới thay cho các tập tục truyền thống; văn hóa cư trú, nếp nhà cũng thay đổi theo quá trình định canh, định cư; nhà gạch, mái tole thay thế cho nếp nhà dài bằng gỗ, tre nứa; mô hình gia đình nhỏ được thay đổi cho nếp nhà nhiều gian; hay những quan niệm về giá trị vật dụng trong đời sống tinh thần như những chiếc tivi, dàn karaoke, bàn ghế salon thay thế cho những chiếc ghế Kpan, chiêng, trống, đàn của người Êđê, người Chăm… Đặc biệt, trong đời sống tâm linh, những tác động từ quá trình di dân ồ ạt trong thời gian qua cùng với yếu tố khai thác nương rẫy đã dần mất đi diện tích rừng nguyên sinh, mất đi môi trường truyền thống giữa thiên nhiên với đồng bào, đồng thời sự xuất hiện những hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo,… đã phần nào ảnh hưởng đến tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, các thế lực thù địch đã lợi dụng sự nhẹ dạ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, chúng sử dụng Internet, mạng xã hội thường xuyên tuyên truyền, xúi giục người dân trốn ra nước ngoài để định cư nước thứ 3 bằng những hình ảnh giả tạo về cuộc sống vương giả, an nhàn được chúng truyền nhau trên trang facebook, messeger,… nhằm lôi kéo đồng bào có tư tưởng “hướng ngoại”, đang gặp khó khăn, theo chúng thì sẽ có một cuộc sống khác biệt hơn so với hiện tại, một lối sống tư sản,… đã có một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số nghe theo. Đáng chú ý, sau khi trốn ra nước ngoài, các thế lực thù địch sử dụng hình ảnh của chính người này để tiếp tục lôi kéo bà con trong nước bằng hình tượng, phong cách ăn uống âu hóa chứ không phải hình ảnh các món ăn dân dã, đậm chất núi rừng, gần gũi giữa con người với thiên nhiên, hay những bộ âu phục được đánh bóng, tô hồng,.. thay thế cho khố, váy, các trang sức bạc, đồng, trong trang phục truyền thống của các nam thanh, nữ tú người đồng bào.

Hay các đối tượng “Tin lành Đề ga” đang tìm cách lôi kéo thân nhân tham gia nhóm tà đạo “Tin lành Đấng Christ”, một tổ chức phản động đội lốt tôn giáo để tiến hành các hoạt động chống phá, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dù bên ngoài chúng tổ chức sinh hoạt tôn giáo bình thường với các hoạt động hát thánh ca, chia sẻ kinh thánh và cầu nguyện, nhưng bên trong chúng lại thường xuyên liên hệ với các đối tượng phản động người Việt lưu vong lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam, đòi thành lập “nhà nước riêng, tôn giáo riêng” cho người dân tộc thiểu số.

2- Giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Chính từ những thay đổi của nền kinh tế thị trường ngay trong bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với các yếu tố tác động, âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm phá hoại bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, chúng ta cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, quan điểm “phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa”, “trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố văn hóa, con người” được Đảng nhấn mạnh, khẳng định rõ ràng, nhất quán, song cho đến nay, cơ hội và điều kiện để nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, vì vậy, cần triển khai rà soát cơ chế, tiến tới đẩy nhanh, đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất là các chính sách an sinh xã hội ở đồng bào dân tộc thiểu số. Từng chính sách an sinh phải gắn liền với đặc thù, phù hợp với phong tục tập quán, giá trị và sắc thái văn hóa riêng của từng dân tộc. Đồng thời cần chuyển đổi mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất “cho không”, sang chính sách tạo cơ hội, điều kiện cho đồng bào thiểu số tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, nhất là phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số,… Một khi đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo thì dù thế lực bên trong, bên ngoài có muốn gây rối bằng các thủ đoạn, chiêu thức lôi kéo, dụ dỗ… thì cũng không thể thực hiện được.

Thứ hai, thực hiện bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cần tổ chức thực chất, tránh việc lai tạp, lai căng, tránh việc “tam sao thất bản” trong giữ gìn bản sắc văn hóa. Chỉ có nguyên gốc và yếu tố nguyên gốc được xem như tiêu chí cơ bản của sự bảo tồn, song không có nghĩa là “đóng khung di sản” mà cần vận dụng hợp lý những phương pháp luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu: “…không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới; cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ; cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý; cái gì cũ mà tốt phải phát triển thêm; cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”. Trước tác động của quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa, nhiều dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một về bản sắc dân tộc, nhất là những nghệ nhân, người cao tuổi am hiểu sâu sắc về giá trị văn hóa, phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt,…. Do vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa cần chú trọng tập hợp các già làng trong buôn, làng để tái hiện, tổ chức thành những điểm trình diễn văn hóa truyền thống vừa lưu giữ, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đồng thời giới thiệu, quảng bá sâu rộng nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trong xã hội, như kiến trúc nhà sàn truyền thống và các vật dụng sinh hoạt đời sống văn hóa, các lễ hội cúng làng, cúng bến nước, cúng bỏ mã, cúng đâm trâu, các loại hình diễn xướng dân gian,… Thúc đẩy việc hình thành trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc thiểu số về ý thức trường tồn cần phải giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình, từ đó hạn chế được sự dụ dỗ, kích động từ các thế lực bên ngoài xâm lấn, lai căng hoặc diễn biến để làm thay đổi toàn bộ phong tục tập quán, nét đặc sắc, riêng có của mỗi dân tộc.

 Thứ ba, hiện nay, các thế lực thù địch vẫn luôn tăng cường thúc đẩy các hoạt động để phát triển đạo, trong đó có cả việc phát triển các đạo giáo mới và các tổ chức tôn giáo đã hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm biến các tổ chức này thành các tổ chức hoạt động chính trị chống cách mạng Việt Nam; lôi kéo, tập hợp tín đồ chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng và toàn diện về quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; về những âm mưu thủ đoạn lợi dụng vấn đề văn hóa, dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số để trên cơ sở đó có giải pháp giải quyết phù hợp. Đề cao và phát huy tốt vai trò, ảnh hưởng của lực lượng già làng, người có uy tín trong đồng bào để gắn kết các thế hệ cùng chia sẻ, gánh vác các hoạt động của cộng đồng. Đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quan hệ thân tộc, đồng tộc của đồng bào các khu vực, vùng giáp ranh cả trong tỉnh và ngoài tỉnh để kịp thời phòng, chống âm mưu kích động, gây chia rẻ đồng bào với nhau, chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ tư, từng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải xác định công tác tuyên truyền, kết hợp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động dụ dỗ, lôi kéo người đồng bào dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài, theo “Tin lành Đề ga”, những tôn giáo mới, tà đạo,… là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và trọng tâm trong công tác đảm bảo an ninh chính trị trật tự trên từng địa bàn. Việc tổ chức thực hiện phải thận trọng, đúng nội dung, đúng đối tượng và theo phương châm “về từng xã, xuống từng buôn, đến từng nhà, sâu sát quần chúng” để đảm bảo yêu cầu nắm chắc tình hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền và vận động tập trung chuyển đổi nhận thức trong đồng bào “không tin, không nghe, không làm theo” các luận điệu dụ dỗ, lừa phỉnh, kích động của các thế lực thù địch và bọn phản động Fulro, “Tin lành Đề ga”,… qua đó đồng bào dân tộc thiểu số đồng lòng và tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Văn hóa giúp cho con người biết sống hướng thiện, biết làm cho các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên trở nên hài hòa. Song, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tác động không nhỏ đến văn hóa, đến nền tảng tinh thần của xã hội. Bên cạnh những giá trị văn hóa được giữ gìn, phát huy, bảo tồn,… lại xuất hiện nhiều giá trị văn hóa bị “vỡ tan” bởi cuộc chiến dưới chiêu bài chống khủng bố, dân chủ, sắc tộc, tín ngưỡng, nhân quyền,…; mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang tạo ra nhiều “tế bào ung thư” trong lĩnh vực văn hóa ở các vùng miền, ở từng thôn, bản. Vì vậy, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Yên là vấn đề cần phải chú trọng tiếp tục thực hiện trong thời gian đến để ngăn chặn, loại trừ âm mưu từ các thế lực thù địch muốn thông qua vấn đề văn hóa, tín ngưỡng nhằm chống phá cách mạng, chống phá Đảng, Nhà nước và sự đoàn kết của các dân tộc./.

Nguyễn Kim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.