Nghĩa vụ quân sự – Không chỉ là trách nhiệm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội đã căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Khắc ghi lời Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, hiến dâng xương máu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, đất nước đang trên đà đổi mới và không ngừng phát triển, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nhất là thế hệ thanh niên quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam và xây dựng thành công CNXH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chính là thể hiện trách nhiệm của mỗi thanh niên với Tổ quốc nói chung, với bản thân, gia đình mình nói riêng.

Tuy nhiên, cứ mỗi độ các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chuẩn bị các điều kiện cho công tác tuyển quân hằng năm là các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lại bắt đầu ra rả các điệp khúc xuyên tạc, từ xuyên tạc về mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Luật Nghĩa vụ quân sự, xuyên tạc giá trị của việc nhập ngũ đến lợi dụng một số hạn chế, sai phạm trong công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ hay một vài sự việc sai phạm xảy ra trong lực lượng Quân đội có tính cá biệt để thổi phồng, vu khống nhằm bôi nhọ hình ảnh bộ đội cụ Hồ, làm xấu hình ảnh tốt đẹp của Quân đội. Không những thế, một số đối tượng xấu còn lợi dụng Điều 41, Luật Nghĩa vụ quân sự về “Tạm hoãn nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ” bày ra một số “chiêu trò”, “kỹ xảo”, “mẹo” nhằm xúi giục, hướng dẫn thanh niên không thuộc diện hoãn, miễn gọi nhập ngũ làm sai lệch hồ sơ, kết quả khám tuyển để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được, cần phải bị lên án mạnh mẽ.

Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mọi công dân đều sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước  xã hội. Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 liệt kê 04 hành vi được xem là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm không chấp hành: (1) Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, (2) Lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, (3) lệnh gọi nhập ngũ, (4) Lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu. Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Nghị định: 120/2013/NĐ-CP, ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu cũng quy định cụ thể việc xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện. Công dân Việt Nam, nhất là lực lượng thanh niên cần ý thức rõ ràng trách nhiệm này để tránh bị các đối tượng xấu kích động, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ quân sự còn là tình cảm thiêng liêng của công dân đối với Tổ quốc, với máu xương của cha anh đã rơi xuống để cho đất nước nở hoa. Được đứng trong hàng ngũ những người lính để bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của gia đình, dòng họ, quê hương; là truyền thống, nét đẹp văn hóa của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Môi trường Quân đội tiếp tục là trường học có uy tín, lôi cuốn, hấp dẫn thanh niên được sống, rèn luyện và cống hiến thanh xuân cho đất nước. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước, quân đội, các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo tốt cho hậu phương và bảo đảm quyền lợi cho công dân nhập ngũ. Vì vậy, trong những năm qua, triệu triệu thanh niên Việt Nam đã rất hăng hái lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Hằng năm, các địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu giao quân. Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?”” (1955). Vậy thì các thanh niên chuẩn bị nhập ngũ còn gì phải phân vân, đắn đo? Đây chính là lúc chúng ta thể hiện trách nhiệm và tình cảm đối với Tổ quốc này!

Hòa Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.