KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO VỆ NGƯỜI NÓI THẬT – NÓI THẲNG – NÓI ĐÚNG

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Tuy nhiên, một thực tế là những năm qua, trong nhiều kết luận, nghị quyết từ Trung ương đến địa phương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều nhấn mạnh một tồn tại, hạn chế đó là: “Công tác tự phê bình, phê bình còn là khâu yếu”. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, sai phạm của nhiều cán bộ đảng viên trong thời gian qua.

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì cần khuyến khích và bảo vệ những ý kiến thẳng, góp ý thật, phê bình đúng, bởi đây vốn được coi là vũ khí sắc bén trong xây dựng Đảng. Để thực hiện điều này thực tế lại không dễ dàng, vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó rào cản lớn nhất chính là tính ích kỷ, tự ái trong mỗi bản thân. Không phải ai cũng thể hiện sự cầu thị, lắng nghe và “tâm phục khẩu phục” trước những góp ý, phê bình của người khác, nhất là những người có chức vụ cao hơn, lớn tuổi hơn thì lại càng khó.

Khó nhưng phải làm, và vai trò người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị là cực kỳ quan trọng. Người đứng đầu phải tạo ra không khí cởi mở, dân chủ, từ đó khuyến khích cán bộ, đảng viên cấp dưới dám nói lên chính kiến của mình, kể cả những ý kiến “ngược” với cấp trên; phải có cơ chế để động viên, tuyên dương, bảo vệ những người dám đấu tranh với cái sai, sẵn sàng có ý kiến phản biện. Tuy nhiên, cần phân biệt đâu là lời góp ý chân thành, trung thực vì mục đích đoàn kết, phát triển tập thể, đâu là những ý kiến ích kỷ vì động cơ cá nhân, lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm, hạ uy tín lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Từ đó mới có thể khuyến khích, bảo vệ đúng người, đúng việc.

Đối với người phê bình cần phải khách quan, trung thực, đúng nơi đúng lúc, “không đặt điều, thêm bớt”. Khi góp ý phải thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý, tế nhị trong lời nói, giọng nói, cách nói làm cho người được góp ý “tâm phục, khẩu phục”. Bên cạnh đó, không được vì động cơ cá nhân mà mỉa mai, “đâm chọt” người khác, tuyệt đối tránh hiện tượng “Ai hợp với mình thì việc xấu, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy, ủng hộ, tâng bốc lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì việc xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, trù dập”.

Còn người được phê bình cần phải có thái độ cầu thị, thiện chí, lắng nghe, tiếp thu, vui lòng sửa đổi; tránh tình trạng nhận khuyết điểm một cách qua loa, hình thức và không quyết tâm sửa chữa; không vì bị phê bình mà nản chí hoặc giận hờn, thù ghét người phê bình mình. Khi nhận được lời góp ý, phê bình mà bản thân nhận thấy là chưa đúng, thì cần bình tĩnh để trả lời, phản biện, tránh bức xúc, hằn học dẫn đến có lời nói thiếu văn hóa, chuẩn mực.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.