LẠI LÀ CHIÊU TRÒ THÚC ĐẨY ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP Ở VIỆT NAM!

Vừa qua, Đài RFA đăng tải bài viết “Chế độ một đảng cầm quyền là ‘môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát triển’” trong đó dẫn lời của những đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị như Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Đình Cống… cho rằng chế độ độc đảng “là môi trường sinh thái vô cùng thuận lợi” cho “ký sinh trùng tham nhũng sinh sôi nảy nở”. Lý do là do chế độ độc đảng “không có tự do tư tưởng, tự do báo chí; không có tam quyền phân lập; không có hệ thống pháp luật được soạn thảo và thi hành một cách khoa học; không có xã hội dân sự và người dân không có quyền bầu cử đúng nghĩa”. Và kết luận rằng muốn giảm tham nhũng thì phải “chuyển đổi từ chế độ độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng”, bởi lẽ các vụ việc tham nhũng trong các chế độ đa đảng “được khui ra bởi phe đối lập và hầu như không có vùng cấm. Ngược lại, trong các chế độ độc đảng, các vụ xử án tham nhũng chỉ là những trường hợp được chọn lọc” Thật là luận điệu nực cười của những kẻ cơ hội, phản động! Sự thật thì sao?

Có phải chế độ độc đảng “là môi trường sinh thái vô cùng thuận lợi” cho “ký sinh trùng tham nhũng sinh sôi nảy nở”?

Câu trả lời là HOÀN TOÀN SAI. Việc Liên hợp quốc có hẳn Công ước về chống tham nhũng và lấy ngày 09/12 hằng năm làm Ngày Quốc tế chống tham nhũng (International Anti-Corruption Day – IACD) cũng như bức tranh toàn cảnh về tệ nạn tham nhũng trên toàn thế giới, bất kể thể chế chính trị nào được liệt kê trong Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) của Tổ chức minh bạch quốc tế (Transparency International – TI) hằng năm cho thấy, tham nhũng là vấn nạn toàn cầu, không phân biệt thể chế chính trị. Theo báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 của TI có 124 quốc gia được đánh giá ở mức độ trì trệ, “dậm chân tại chỗ” trong chống tham nhũng; hơn 2/3 quốc gia (68%) có điểm dưới 50 và điểm trung bình toàn cầu không thay đổi ở mức 43. Tại bảng xếp hạng CPI 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022), cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng trong nước năm qua đã được ghi nhận. Trong đánh giá CPI 5 năm gần đây, cùng với Angola, Maldives, Moldova và Hàn Quốc, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới có những cải thiện tích cực mạnh mẽ nhất, với mức tăng 9 điểm kể từ năm 2018. Những con số trên cho thấy nhận định “chế độ độc đảng là môi trường sinh thái vô cùng thuận lợi” cho “ký sinh trùng tham nhũng sinh sôi nảy nở” của các đối tượng cơ hội chính trị trên là hoàn toàn sai sự thật, không khách quan.

Có phải chế độ độc đảng không có tự do tư tưởng, báo chí, xã hội dân sự và người dân không có quyền bầu cử đúng nghĩa?

Câu trả lời vẫn là HOÀN TOÀN SAI. Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ở Việt Nam, con người là trung tâm, là động lực của quá trình phát triển đất nước. Các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam, như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, bầu cử… được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, Việt Nam hiện có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí, với khoảng 42.400 người. Đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Số lượng người đang dùng mạng xã hội là khoảng 70 triệu người… Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội cho thấy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ… Nói về việc bầu cử ở Việt Nam, thực tế cho thấy việc bầu cử ở Việt Nam được thực hiện đúng theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trên cơ sở bốn nguyên tắc bầu cử: “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”, thể hiện rõ tính dân chủ và tiến bộ của thể thức bầu cử mà Việt Nam đang thực hiện. Những dẫn chứng trên bác bỏ luận điệu xuyên tạc, cho rằng “chế độ độc đảng không có tự do tư tưởng, báo chí, xã hội dân sự và người dân không có quyền bầu cử đúng nghĩa”.

Có phải “trong các chế độ độc đảng, các vụ xử án tham nhũng chỉ là những trường hợp được chọn lọc”?

Câu trả lời cũng vẫn là HOÀN TOÀN SAI. Thực tế công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua cho thấy, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, dù cán bộ đương chức hay về hưu, nếu có sai phạm đều bị xử lý, kỷ luật, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, sự thượng tôn pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết xử lý tệ nạn tham nhũng, thu hồi khối lượng lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị chiếm dụng. Vì vậy, hoàn toàn không có chuyện “chọn lọc” trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Từ những dẫn chứng trên, khẳng định việc các cá nhân, tổ chức tung ra các luận điệu vu khống, xuyên tạc, chống phá, thúc đẩy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam là hành vi hoàn toàn sai trái, cần bị vạch trần, lên án, bác bỏ!

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.