“Lỗ thủng lịch sử” và những cái sai của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Mới đây, dư luận xã hội lại một lần nữa dậy sóng liên quan nội dung “bài thơ” Lỗ thủng lịch sử của tác giả Nguyễn Hữu Hồng Minh (sinh năm 1972 tại Đà Nẵng, nguyên quán Quảng Bình, hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh). Mới đầu, việc khen chê bài LTLS diễn ra trên mạng xã hội Facebook nhân việc một nhà thơ lão thành phản ánh tác giả “bài thơ” này không xứng đáng vào Hội Nhà văn Việt Nam (Nguyễn Hữu Hồng Minh đã có quyết định vào Hội năm 2021 nhưng chưa được tổ chức công bố), sau đó vụ việc lan rộng, một số cơ quan báo chí đã vào cuộc, tạo thành chủ đề nóng gây tranh cãi trong thời gian qua.

Nhìn chung, giới chuyên môn nhận định bài viết trên không phải là thơ vì theo khái niệm: “Thơ là hình thức nghệ thuật dùng từ trong ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới hình thức logic nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe” (Theo Wikipedia). Trong khi đó, bài LTLS chứa đựng rất nhiều từ ngữ thô tục, ý tưởng “bệnh hoạn” đối với nhiều phụ nữ, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của một số nữ nhà văn, nhà thơ bị nêu tên trực tiếp. Rất đáng tiếc, một số văn nghệ sỹ vì quen biết đã lên tiếng “bênh vực” tác giả của LTLS một cách mù quáng, cho rằng đây là bài thơ cách tân theo lối “Hậu hiện đại” và nhà thơ có quyền tự do tuyệt đối trong “sáng tạo” ngôn ngữ. Tôi cho rằng đây là phát ngôn ẩu. Cho dù nhà thơ là người sáng tạo tự do trên chất liệu ngôn ngữ, nhưng khi công bố bài thơ ra công chúng, tác giả phải chấp hành và chịu sự chi phối của những quy định, luật lệ, văn hóa, truyền thống của xã hội. Đó là cái sai thứ nhất của Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Bài LTLS đã được Nguyễn Hữu Hồng Minh viết và công bố trên các trang mạng cách đây đã 19 năm. Tại thời điểm đó và một khoảng thời gian dài sau này, như Nguyễn Hữu Hồng Minh thừa nhận, anh đã phải trả một cái giá rất đắt. Đến nay, với sự độ lượng, nhân từ, các nữ nhà văn, nhà thơ bị nêu tên trong LTLS cũng đã nguôi ngoai và không muốn nhắc lại vấn đề này. Nhưng phải đến 19 năm, sau những phẫn nộ của dư luận, Nguyễn Hữu Hồng Minh mới thành thật thừa nhận trên Báo Tiền phong về lý do viết bài LTLS là: “Chuyện dài lắm. Nhưng nó bắt đầu từ một khủng hoảng có thật và gây sức ép vô cùng lớn với tôi, giống như một khối nổ. Đến một sự dồn ép nào đó tôi cứ viết ra trong vô thức, không kiểm soát được tại sao câu này thế này và câu kia thế kia. Không phải đến bây giờ mà sau thời điểm viết ra đọc lại tôi vẫn không lý giải được vì sao mình viết như vậy. Việc xảy ra như một vụ nổ cầu chì của người sáng tạo, tôi đâu có muốn như thế. Tôi hiểu cảm giác phẫn nộ của nhiều bạn đọc. Chính tôi khi tỉnh táo đọc lại cũng cảm thấy bàng hoàng tại sao mình lại viết bài này làm gì? Nó là một trạng thái mất kiểm soát”. Qua sự “chân thành” thừa nhận của Nguyễn Hữu Hồng Minh rằng đã viết bài thơ trên trong trạng thái mất kiểm soát về tinh thần, cho thấy sự thiếu bản lĩnh của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Đó là cái sai thứ hai của Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Ngoài ra, còn một vấn đề nữa tôi muốn nói đến nhân sự kiện này, đó là với thói quen sử dụng mạng xã hội, dường như cộng đồng mạng sẵn sàng công kích, đả phá bằng những lời lẽ thiếu kiểm soát nhân một “sự cố” văn chương nào đó xảy ra. Nhiều người cho rằng nó phản ánh việc công chúng vẫn còn “quan tâm” đến thơ, đến văn chương. Tôi thì cho rằng đây là kiểu sinh hoạt, phản biện văn chương thiếu lành mạnh, thiếu lý luận, phi khoa học, thừa thãi sự tức giận!

Thiện Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.