Lộn xộn trong xuất bản: Nhiều tác giả ra sách để thỏa mãn thói hám danh

Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người. Những năm qua, có hàng vạn đầu sách được xuất bản mỗi năm với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, bắt mắt. Tuy nhiên, trong số đó có những cuốn sách chất lượng kém về nội dung lẫn nghệ thuật, thậm chí là vô bổ, vi phạm thuần phong mỹ tục, sai lệch lịch sử… dẫn đến tình trạng nhiều cuốn sách bị thu hồi, nhà xuất bản (NXB) bị phạt. Theo thống kê, 90% các vi phạm trong hoạt động xuất bản thuộc về liên kết xuất bản.

Ảnh minh họa/INT.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do tư duy làm sách kiểu “ăn xổi” của các tác giả và nhà xuất bản. Trong đó, nổi lên là việc buông lỏng khâu biên tập, kiểm duyệt, chỉ quan tâm đến số lượng phát hành nên đã tạo điều kiện để nhiều tác giả thỏa mãn thói hám danh của mình.

Riêng thị trường sách văn học, nhiều người cho rằng chỉ cần viết là sẽ được xuất bản và cứ thế được mặc nhiên gắn mác “văn chương”, khoác lên mình chiếc áo “văn nhân” mặc dù chất lượng nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm là không tương xứng. Họ có thể sáng tác hàng trăm bài thơ rất thiếu “chất thơ”, hay những tản văn, truyện ngắn với văn phong non nớt, cách hành văn rề rà, cốt truyện nhạt nhẽo, ngắt quãng, sao chép, chắp vá linh tinh rồi… được xuất bản. Những kẻ hám danh này sau khi sách được xuất bản sẽ dùng đủ các hình thức để khoe với thiên hạ là mình cũng có cuốn sách để đời, phổ biến nhất là đăng tải trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội các bài viết, hình ảnh sách của mình được tặng người này người kia, trưng ở tủ sách này, tiệm sách nọ.

Với góc nhìn khách quan, có thể nói thị trường sách bây giờ như một khu rừng đầy cây, bên cạnh những cây tốt cũng có không ít cây “tốt lá mục thân”. Ghé thăm các thư viện, nhà sách mới thấy rõ thực trạng này. Sau những hào quang nhất thời, những cuốn sách “thị trường” của những kẻ hám danh thì dù có quảng cáo đủ hình thức vẫn nằm im bám bụi trên những kệ sách, không ai động tới.

Trong tác phẩm Đời thừa, nhà văn Nam Cao có viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện”. Người sáng tác và các nhà xuất bản cần phải đặt cái tâm vào việc của mình, đừng để người đọc lạc vào “ma trận sách”, phải bỏ công “gợi đục, khơi trong” để tìm được một cuốn sách hay và hãy để sách mãi là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người.

Chi Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.