TÍNH TẤT YẾU CỦA VIỆC XÂY DỰNG “THẾ TRẬN LÒNG DÂN” TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Trước xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã tạo nên môi trường tương tác mới của con người, đó là không gian mạng, ở đó con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Vì vậy, việc xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng vừa là vấn đề cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

“Thế trận lòng dân” được hiểu là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên tạo thành nền tảng chính trị, tinh thần vững chắc, với sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng huy động nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng. Việc xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng không chỉ bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn duy trì sự ổn định chính trị, tăng cường sự đoàn kết và sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội.

Hiện nay, Internet và mạng xã hội là một trong những công cụ chủ yếu để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá nước ta. Theo thống kê, hiện nay có hơn 400 trang web, blog, hàng chục tạp chí, báo, hơn 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt của các tổ chức phản động ở nước ngoài; bình quân hằng tháng các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video, hình ảnh, clips có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam trên không gian mạng. Trước tình hình đó, bên cạnh việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, chúng ta cũng phải đặc biệt quan tâm xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng, trong đó bao gồm chính sách, pháp luật quản lý hoạt động trên không gian mạng; các bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và bố trí các hạ tầng, dịch vụ, tài khoản trên không gian mạng.

Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên không gian mạng, trước hết cần phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mỗi công dân về vị trí, vai trò của Internet và mạng xã hội; tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong xây dựng “thế trận lòng dân”; trong đó, phát huy tốt vai trò cơ quan tuyên giáo các cấp, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông trong việc cung cấp thông tin, kịp thời định hướng dư luận trước những sự kiện lớn, các vấn đề được xã hội quan tâm.

Thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có đủ sức đề kháng, miễn dịch trước các thông tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, các vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội. Khuyến khích, động viên để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi công dân tham gia mạng xã hội tuân thủ đúng pháp luật, có tri thức, văn hóa. Cần có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát, đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, những vấn đề tiêu cực trên không gian mạng và cổ vũ, biểu dương cái tốt, cái tích cực, theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Tóm lại, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên không gian mạng là một đòi hỏi tất yếu, khách quan, đồng thời vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.