NHẬN DIỆN, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC DÂN TỘC

Vụ khủng bố có tổ chức, có sự chỉ đạo, tiếp tay của các thế lực thù địch từ bên ngoài xảy ra ngày 11/6/2023 tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk với những hành vi hết sức man rợ, một lần nữa khẳng định lợi dụng vấn đề dân tộc để xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam là một trong những âm mưu, thủ đoạn hết sức nham hiểm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.

Ảnh minh họa

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em, trong đó có tới 53 dân tộc thiểu số (DTTS), với gần 11 triệu người, chiếm khoảng 13% dân số cả nước. Phần lớn đồng bào các DTTS cư trú tại các địa bàn trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh, đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, lạc hậu, song lại rất cả tin. Lợi dụng đặc điểm này, các thế lực thù địch, phản động đã tuyên truyền, kích động, lừa bịp đồng bào DTTS tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức nham hiểm, tinh vi, xảo quyệt.

 Phương thức, thủ đoạn nham hiểm

Các thế lực thù địch đã tập trung tuyên truyền, xuyên tạc các quan điểm, chủ trương, đường lốicủa Đảng, chính sách, pháp luật củaNhà nước ta hiện nay, đặc biệt là những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS, liên quan đến chính sách dân tộc. Chúng đã “thổi phồng” những thiếu sót của ta trong quá trình thực hiện các chính sách ở vùng đồng bào DTTS, nhằm vô hiệu hóa sự lãnh đạo của tổ chức đảng, chính quyền địa phương để chúng dễ bề nắm dân, khống chế dân. Chúng ra sức xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu của đất nước ta trên lĩnh vực dân tộc, vu cáo “chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “phân biệt đối xử với các DTTS”.

 Đi liền với cáchoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, các thế lực thù địch, phản động đã ra sức kích động tư tưởng dân tộc “hẹp hòi”, “ly khai”, “tự trị”, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự đoàn kết thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng lừa bịp, đánh tráo khái niệm về “quyền tự trị” của các dân tộc, kích động đồng bào DTTS yêu sách đòi thành lập “vương quốc riêng” của người Mông ở các tỉnh Tây Bắc, người Khơ Me ở các tỉnh Tây Nam Bộ, cái gọi là “Nhà nước Đêga” ở các tỉnh Tây Nguyên. Chúng tung ra các thông tin thất thiệt để dụ dỗ, lừa bịp, tạo nên nhiều cuộc vượt biên trái phép, di dân tự do trong vùng đồng bào DTTS, hòng làm cho đời sống của đồng bào DTTS không ổn định, gây xáo trộn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó lấy kế vu cáo Nhà nước ta phân biệt đối xử, “đàn áp” đồng bào DTTS.

Lợi dụng những khó khăn trong đời sống, sự hạn chế trong nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS, các thế lực thù địch, phản động đã tổ chức tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ đồng bào tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tham gia các tà đạo, các tổ chức chính trị phản động đội lốt tôn giáo như: “Hà mòn”, “Bơ khắp Brâu”, “Dương Văn Mình”, “ Tin Lành Đêga”, “Tin Lành đấng Christ”, tiến hành các hoạt động gây mất an ninh, trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước…; lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào, lợi dụng “giáo lý, thần quyền”, bọn chúng đã khuyến khích đồng bào các DTTS duy trì các tập tục lạc hậu, phản khoa học, cổ vũ cho lối sống ích kỷ, hưởng thụ, trụy lạc trong thanh niên, thiếu niên DTTS, nhằm từng bước làm băng hoại đạo đức, bản sắc vănhóa các DTTS.

Mặt khác, bọn chúng còn kích động, xuyên tạc, tạo mâu thuẫn, gây xung đột giữa đồng bào DTTS với người Kinh, giữa các DTTS khác nhau cùng sinh sống trên lãnh thổ, giữa những người DTTS theo tôn giáo và không theo tôn giáo, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó tạo nên những bất ổn về mặt an ninh chính trị tại các vùng đồng bào DTTS, nhất là ở những khu vực trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch đã hà hơi, tiếp sức,xây dựng, nuôi dưỡng nhiều tổ chức phản động lưu vong như “Hội những người miền núi” (MFI), “Nhân quyền người Thượng” (MHRO), “Người Thượng thống nhất” (UM), “Hội ái hữu Khmer Campuchia Krôm” (AKKK), “Hội sư sãi Khmer Campuchia Krôm”…, tuyên truyền, móc nối, tạo dựng “ngọn cờ” vào các vùng đồng bào DTTS ở trong nước để phát triển tổ chức, tiến hành các hoạt động kích động biểu tình, bạo loạn, khủng bố, phá rối an ninh, chống phá Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước còn ra sức câu kết, lợi dụng một số chức sắc cực đoan trong tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS để tuyên truyền, kích động, xúi giục đồng bào DTTS chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây sức ép với chính quyền các cấp, thậm chí hình thành các tổ chức chính trị phản động đội lốt tôn giáo. Qua đó vu cáo Đảng, Nhà nước ta “kỳ thị, phân biệt đối xử” đối với đồng bào DTTS, lấy cớ kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp vào chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

Phản bác luận điệu sai trái

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giải quyết vấn đề dân tộc nói chung, quyền của đồng bào DTTS nói riêng là thước đo của sự phát triển xã hội, coi đó là một nội dung quan trọng, luôn được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thực tiễn sự phát triển về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội trong những năm qua ở những vùng đồng bào DTTS là minh chứng sinh động cho quan điểm nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm đối với vấn đề dân tộc, đó là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong tất cả các văn kiện Đại hội đảng toàn quốc, nhất là từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược”, “luôn có vị trí chiến lược”, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển” và đề ra chủ trương “huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.

Cùng với sự phát triển của đất nước, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về vấn đề dân tộc luôn được bổ sung, phát triển, cụ thể hóa, phù hợp với thực tiễn khách quan. Ngày 12/3/2003, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hànhNghị quyết số 24-NQ/TW “về công tác dân tộc”. Ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KT/TW về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”. Ngày 14/1/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP “về công tác dân tộc”. Tính từ năm 2000 đến nay, Nhà nước ta đã ban hành hàng trăm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó có một số chính sách trọng tâm, điển hình như: Chương trình 143 về “Xóa đói, giảm nghèo và tạo và tạo việc làm giai đoạn 2001-2005”; Chương trình 135 về “Phát triển kinh tế – xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa”; Chương trình 134 về “Một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn”.

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung triển khai trong thực tế, làm giảm dần khoảng cách về trình độ dân trí, mức sống giữa các dân tộc trong lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc. Trên thực tế, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã và đang đi vào cuộc sống, mang lại sự bình đẳng, quyền và lợi ích hợp pháp trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc, tương trợ, tương thân, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phát triển giữa các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Đến nay, nhìn chung, đời sống của đồng bào DTTS đã dần được cải thiện, ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông tại các khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS ngày càng hoàn thiện, thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, buôn. Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm, đại đa số đồng bào DTTS đã tiếp cận được với giáo dục, y tế công cộng, các dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là Internet, điện thoại thông minh. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế. Đời sống văn hóa, tinh thần, nhất là đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào DTTTS ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo, Công giáo, Tin Lành,… được xây dựng tại các buôn, làng trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều con em người đồng bào DTTS có trình độ đại học, có học hàm, học vị, giữ một số trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh những kết quả đạt được, những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước khi áp dụng vào đời sống vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: Một số hệ thống chính sách còn dàn trải, chồng chéo, nhiều nội dung chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm, khả năng hiện thực hóa một số chính sách gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, chưa phát huytối đa thế mạnh của từng địa phương,… Chính những hạn chế, yếu kém này đã tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng để khoét sâu, xuyên tạc, gây xung đột, mâu thuẫn trong nội bộ đồng bào các dân tộc, từ đó đẩy lên cao trào, tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ về chính trị – xã hội ở nước ta. Song, với quyết tâm chính trị, Đảng, Nhà nước ta kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ có mưu đồ lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động tư tưởng kỳ thị, chia rẽ đoàn kết dân tộc hoặc lợi dụng vấn đề dân tộc để gây bất ổn về chính trị – xã hội, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Giải pháp phòng ngừa, đấu tranh

Thời gian tới, các thế lực thù địch vẫn sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc với nhiều phương thức, thủ đoạn phức tạp, tinh vi, thâm độc hòng “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Do vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trên lĩnh vực dân tộc. Trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng trong công tác bảo đảm quyền của đồng bào các DTTS và đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo nhằm góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa.

Hai là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và Nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc để “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta. Qua đó, nângcao tinh thần cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, không bị kẻ địch lợi dụng, tự giác thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn dề dân tộc. Tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ba là, không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng, da dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các DTTS ngày càng khăng khít. Tiếp tục phát huy và thực hiện đồng bộ, triệt để dân chủ ở các vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của các DTTS không trái với lợi ích chung của đất nước. Kiên quyết chống tư tưởng kì thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm, tự ti dân tộc.

Bốn là, không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở các địa bàn vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS đi đôi với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng đồng bào DTTS; rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách đặc thù tại các vùng đồng bào DTTS trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Năm là, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, kích động biểu tình, bạo loạn, khủng bố, phá rối an ninh, chống phá Đảng, Nhà nước. Giải quyết kịp thời, triệt để các “điểm nóng”, các vụ việc phức tạp xảy ra trong vùng đồng bào các DTTS ngay từ cơ sở, không để kéo dài, lây lan, vượt cấp.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, thành tựu của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, trong đó có quyền của đồng bào các DTTS, làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch.

TRẦN QUANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.