Rùng mình khi “cái ác lên đồng” sắm vai người phán xử để “xâu xé” lòng tốt
Câu chuyện công an đón thí sinh ngủ quên vừa kịp giờ thi tại Hà Giang đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019. Nhưng buồn thay, thay vì sự cảm động, trân trọng những điều tử tế trong cuộc sống thì không ít anh hùng bàn phím lại sắm vai “người phán xử” để nghi kỵ, phán xét.
Đành rằng trước đó kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang đã xảy ra sự cố nghiêm trọng về gian lận điểm thi khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Nhưng việc nào đi việc đấy, ai sai thì người đó bị lên án,xử lý. Không thể vì một sai phạm của người khác trong quá khứ để quy chụp tất cả lòng tốt mà đáng lẽ chúng ta phải trân trọng để nhân rộng.
Thử tượng tượng nếu em học sinh đi thi kia là chính con em của những người sắm vai người phán xử thì họ sẽ thế nào?. Một cô bé cha mất, mẹ đi làm sớm, mải ôn bài quá khuya nên mệt ngủ say, quên cả giờ dậy và có nguy cơ muộn đi thi. Rất đáng tiếc là vì trước đó đã có một trường hợp thí sinh vì ngủ quên mà không được thi nên mọi người ở hội đồng thi này đã nghĩ cách “cứu” thí sinh này bằng cách đến tận nhà và đưa em đến thi sát giờ. Bỏ lỡ một môn thi không khác gì một thí sinh biết trước kết quả mình thi trượt ngay cả khi kỳ thi chưa kết thúc. Và điều này đồng nghĩa em thí sinh kia sẽ mất cơ hội tốt nghiệp, xét tuyển đại học, phải tiếp tục ôn luyện thi lại vào năm sau với tâm lý nặng nề và cả sự tốn kém. Mà chỉ mươi phút nhanh trí, quyết đoán anh công an đã không nghĩ ngợi việc làm của mình có thể bị gây hiểu lầm, hay được cái gì… chỉ mong sao thí sinh kia không bị muộn giờ. Với hành động này, những người trong hội đồng thi của Hà Giang không chỉ làm tốt nhiệm vụ mình được giao mà còn làm cả vì sự hối thúc của tình người, của cái cao đẹp mà không phải ai cũng sẵn lòng dành cho người khác một cách vô tư, trong sáng và không kèm những điều kiện đằng sau.
Thế nhưng buồn thay, lòng tốt đó vừa được biết đến, chưa kịp hoan hỉ, chưa trở thành cảm hứng lan truyền thì đã bị không ít anh hùng bàn phím vùi dập tơi tả, không thương tiếc. Không cần bằng chứng nào, họ tự cho rằng câu chuyện đó là dàn dựng để “gỡ điểm” cho sự “mất điểm” của kỳ thi trước. Rồi cả một đám đông lan rộng sự hưởng ứng đó, biến lòng tốt của anh công an chỉ là một “diễn viên tồi”.
Cơn lên đồng tập thể thiếu trách nhiệm của nhiều người phải chăng vì sự thiếu niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, hay vì thói nghi kỵ, thích phán xét, nói cho sướng miệng mà “không bị làm sao” của không ít công dân mạng?.
Không thể phủ nhận có nhiều vụ việc nhờ cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ, tìm ra chân tơ kẽ tóc mà được sáng tỏ. Nhưng không phải vì thế mà cộng đồng mạng lúc nào cũng đúng. Cộng đồng mạng cũng từng đưa một kẻ như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền thành sao, để họ nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền tự sự tung hô mù quáng và tò mò của rất nhiều người. Cộng đồng mạng cũng đẩy một bài hát với lời lẽ chướng tai khi oán trách phật không phù hộ đời mình thành nổi tiếng.
May mắn là đã có không ít người chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối, không thể im lặng dũng cảm đương đầu với dư luận, để nói lên sự thật và trả lại sự công bằng cho người tốt.
Nhưng có bao nhiêu người sau đó cúi mình nói lời xin lỗi?
Có bao nhiêu người tự thấy xấu hổ?
Không ai cấm và kiểm soát được suy nghĩ của tất cả mọi người. Nhưng có bao giờ họ thấy mình hèn không khi phát ngôn ra những lời cay nghiệt, phán xét, ác độc thiếu căn cứ, quay ngược sự thật về một người mà không có mặt ở đấy, không phản ứng để nói lại, phản bác lại?. Chúng ta lên án một đứa trẻ khi còn bé đã hành hạ một con vật không làm hại và không có khả năng chống trả, rồi chúng ta cũng lên án người lớn hành hạ một đứa bé mà sự phản kháng vô cùng yếu ớt nhưng lại chẳng mảy may khi “hành hạ” bằng ngôn từ với người xa lạ. Trách nhiệm lời nói, sự tự vấn bản thân và cả nỗi xấu hổ chả nhẽ cũng chỉ là thứ “ảo” của thế giới mạng của những anh hùng bàn phím? .
Khủng hoảng niềm tin cuộc sống là căn bệnh đáng sợ sẽ xâm nhập vào nếu chúng ta cứ khăng khăng bóp méo sự thật về những điều tốt đẹp vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống này.
Làm người tốt lúc nào cũng khó. Nhưng khó đến mức người ta âm thầm làm việc tốt rồi bị bới móc, sỉ nhục để rồi họ lại thấy hối hận, thấy không muốn trở thành người tốt, vì đầy cô độc, yếu thế, oan trái thì thật cay đắng và đáng để chúng ta suy nghĩ. Và rất có thể nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đau buồn như câu chuyện tài xế gây tai nạn rồi xuống xe thản nhiên bỏ đi vừa diễn ra.
Có những cái ác thản nhiên và vô cùng đáng sợ đang núp bóng cộng đồng mạng mà chúng ta không thể thờ ơ, vô trách nhiệm.
Tổ quốc