THÀNH TỰU VỀ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆT NAM LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Gần đây, trên trang mạng VOA Tiếng Việt đã tán phát bài viết “Giới hoạt động: Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam tồi tệ hơn trong năm 2024” có nội dung xuyên tạc rằng “tình hình vi phạm nhân quyền tiếp tục tồi tệ ở Việt Nam với nhiều bản án nặng và tình trạng đàn áp xuyên quốc gia”; “Việt Nam liên tục bị liệt vào danh sách các quốc gia có thành tích kém nhất trong bảng xếp hạng nhân quyền quốc tế”… Đây rõ ràng là những luận điệu sai trái nhằm phủ nhận những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhân quyền của Việt Nam.
Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đã nhấn mạnh quan điểm “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”, đặt ra các nhiệm vụ “tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Đặc biệt, trong các bản Hiến pháp của nước ta đều khẳng định quyền con người và quyền công dân đều được tôn trọng và bảo đảm. Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO)…
Trong năm 2024, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện nhân quyền. Theo báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024 dựa trên các tiêu chí khảo sát tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 54 trên thế giới, tăng 11 bậc so với năm 2023 và là một trong sáu quốc gia, vùng lãnh thổ hạnh phúc nhất châu Á. Báo cáo Phát triển Con người 2023 – 2024 có tiêu đề “Phá vỡ tình trạng bế tắc: Tái hình dung sự hợp tác trong một thế giới phân cực” của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã khen ngợi Việt Nam nằm trong nhóm phát triển con người cao. Đặc biệt, trong năm qua, Việt Nam đã phát huy vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, ghi được nhiều dấu ấn trong các sáng kiến, được đông đảo các nước ủng hộ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực cam kết thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận từ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ngày 27/9/2024, Việt Nam thông báo quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra, đạt tỷ lệ 84,7% cao nhất trong bốn chu kỳ, khẳng định mong muốn, quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Với những minh chứng trên, có thể khẳng định rằng, những thành tựu đạt được trong việc thực hiện nhân quyền của Việt Nam là sự thật không ai có thể phủ nhận. Do đó, mỗi chúng ta cần nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch để bảo vệ những thành tựu về thực hiện nhân quyền của Việt Nam.
(Xuân Nguyên)