TINH GỌN BỘ MÁY CHÍNH TRỊ – GIỮ NGỌN LỬA CÁCH MẠNG TRƯỚC SÓNG GIÓ XUYÊN TẠC (BÀI 1)

Trong công cuộc đổi mới đất nước toàn diện và sâu rộng hiện nay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính đột phá chiến lược để đưa đất nước vững bước đi lên trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Loạt bài này đi sâu phân tích sự tất yếu khách quan và những lợi ích to lớn mà cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy chính trị mang lại cho dân tộc Việt Nam. Đồng thời, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đề xuất một số giải pháp đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân trong giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: TTXVN

BÀI 1: “CHẬM TRỄ LÀ CÓ LỖI VỚI NHÂN DÂN”

Đó là khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế (ngày 1/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta đã có đủ thế và lực, ý chí và quyết tâm, đây là thời cơ, đòi hỏi tất yếu khách quan của cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy chính trị, đồng thời “không thể chậm trễ hơn nữa!”.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng

Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), với tinh thần: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, đưa đất nước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Từ một nước thuần nông nghiệp với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD năm 1986, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN, thì đến năm 2024, GDP của nước ta đã đạt trên 470 tỷ USD, nằm trong top 40 nước có quy mô nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Thành tựu đạt được là rất lớn, song Đảng ta luôn xác định phải không ngừng đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đổi mới về thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong quá trình rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước, có tới 20% số cơ quan và đơn vị bị phát hiện có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Do đó, trong nhiều văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng đều đề cập rất cụ thể đến vấn đề quan trọng này, đặc biệt gần đây nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chỉ rõ, qua hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song cơ chế vận hành của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị vẫn còn nhiều hạn chế; việc phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa thực sự đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không rõ trách nhiệm, làm giảm sự chủ động, sáng tạo, phát sinh phiền nhiễu, tiêu cực, cản trở phát triển, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động… Như vậy, tinh gọn bộ máy chính trị được Đảng ta xác định là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, là vấn đề có ý nghĩa sống còn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…”(1).

“Vừa chạy, vừa xếp hàng”

Kể từ sau Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy chính trị đã được triển khai thực hiện một cách thần tốc.

Chỉ trong thời gian rất ngắn, hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chủ trương chiến lược này đã ra đời như: Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025; Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 128-KL/TW ngày 7/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ…

Tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tinh gọn theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ) và 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan).

Với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, hàng loạt các quyết định quan trọng đã được ra đời một cách khẩn trương, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, toàn diện, trong đó, hiện nay đã thực hiện xong việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đối với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các đề án: Sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sau khi sáp nhập, hợp nhất; về hệ thống tổ chức đảng ở địa phương; về hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện; về tiếp tục sắp xếp tổ chức Quân đội. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; tạm dừng tổ chức đại hội đảng bộ cấp xã, cấp huyện…

Có thể nói, ngọn lửa của cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy chính trị đang bùng cháy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành luồng sinh khí lớn cho sự chuyển động, bứt phá để thúc đẩy nhanh và bền vững quá trình vận hành bộ máy hành chính các cấp. Điều này sẽ xóa bỏ được sự cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc trung gian, đáp ứng kịp thời xu thế chuyển đổi số trong quản trị hành chính và tối ưu hóa mọi nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước.

Ý Đảng – lòng dân hòa quyện thành dòng chảy thời đại

Không quá bất ngờ khi thông tin liên quan đến tinh gọn bộ máy chính trị được xuất hiện với tần suất, số lượng rất lớn trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian gần đây, bởi đó là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn dân. Gần 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng ta đã tài tình chèo lái con thuyền cách mạng, ứng phó với thù trong giặc ngoài, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân Việt Nam chinh phục được những mốc son chói lọi.

Chắc hẳn ai cũng hiểu được rằng, để Việt Nam cất cánh bay lên vươn tầm châu Á và thế giới trong kỷ nguyên mới thì cần có một đôi cánh thật sự nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng phải đảm bảo vững chắc, bền bỉ, dẻo dai. Muốn vậy, cần phải tháo gỡ được rào cản về thể chế, cải cách hành chính mạnh mẽ, trong đó tinh gọn bộ máy chính trị là tất yếu khách quan của lịch sử, là cơ hội ngàn vàng không thể chậm trễ.

Nhìn lại chặng đường hơn 95 năm từ khi có Đảng và gần 80 năm thành lập nước, chúng ta vô cùng tự hào khi dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện về mọi mặt của Đảng, dân tộc ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Với những nền tảng vững chắc đó, cùng với những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đang tràn đầy khí thế bước vào một cuộc cách mạng mới – tinh gọn bộ máy chính trị với kỳ vọng rất lớn để đưa đất nước ta chuyển mình, hướng tới mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thái Bình – Lê Hữu/BIÊN PHÒNG

—————————————–

(1) Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *