TỔ CHỨC PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI LẠI GIỞ TRÒ XUYÊN TẠC VIỆT NAM VI PHẠM TỰ DO BÁO CHÍ

Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) vừa công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024”, vu cáo Việt Nam đàn áp và kiểm duyệt báo chí, từ đó kêu gọi mọi người đấu tranh đòi “tự do báo chí đích thực”, “thả tự do cho các nhà báo” vi phạm pháp luật đang bị xử lý,… Thực chất đây là “bổn cũ soạn lại” của RSF, nhằm bôi đen hiện thực, vẽ ra bức tranh tối màu về tình hình tự do báo chí của Việt Nam để hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể thấy, việc đảm bảo mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan đồng thời được triển khai thực hiện trong thực tế. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 11, Luật Báo chí sửa đổi (2016) quy định rõ: Công dân có quyền: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”…

Bên cạnh đó, hoạt động báo chí của Việt Nam cũng có bước phát triển mạnh cả về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội. Theo thống kê, đến năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình; khoảng 41.600 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, cả nước hiện có 20.508 người được cấp thẻ nhà báo 2021 – 2025 (tính đến 12/2023)…

Tuy nhiên, tự do báo chí không thể vượt quá quy định của pháp luật, không phải là tự do quá trớn, càng không phải muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết theo ý muốn chủ quan của chủ thể. Cũng như bất kỳ các quốc gia trên thế giới, một mặt, Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Mặt khác, không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Từ những minh chứng trên cho thấy, RSF đang cố tình phớt lờ đi những thực tế đó và ngày càng lộ rõ định kiến với Nhà nước Việt Nam, cố tình phủ nhận những nỗ lực, thành tựu đạt được của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm và tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Vì vậy, mỗi người cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động. 

QUỐC SÁCH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *