TỰ DO NÀO KHÔNG PHẢI TRONG KHUÔN KHỔ PHÁP LUẬT!?

Quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do Internet là những quyền cơ bản của con người được tôn trọng và bảo đảm. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm cho mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng Internet và các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này đã được hiến định và quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,…”, cùng với đó là Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, các nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng…

Theo đó, công dân có quyền được sử dụng các dịch vụ trên internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Cũng như các quyền khác của con người, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin phải do pháp luật quy định và trong khuôn khổ pháp luật. Đồng nghĩa với việc truyền tải thông tin và ý kiến đến người khác là một quyền được tôn trọng. Tuy nhiên, khi thực hiện những quyền đó, người dân phải bị chi phối, ràng buộc bởi quyền được thụ hưởng và nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khác. Điều này nhằm tránh việc lợi dụng các quyền tự do để gây phương hại đến quyền, lợi ích của quốc gia, cộng đồng xã hội, tổ chức và cá nhân khác.

Thực tế này không chỉ có ở Việt Nam mà tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới các vấn đề tự do thông tin, tự do Internet, tự do ngôn luận… đều phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, bị chế định bởi các văn bản, điều luật để kiểm soát những thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các trang mạng xã hội. Qua đó, nhằm hạn chế sự lan tràn, phát tán những thông tin xấu, độc và làm căn cứ để xử lý những cá nhân, tổ chức lợi dụng các quyền tự do của mình để xâm hại đến quyền tự do của tổ chức, cá nhân khác. Chính những chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đảm bảo các quyền tự do con người, trong đó có quyền tự do Internet, thì số lượng người sử dụng Internet, mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay đã nằm trong tốp đầu thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, lượng người dùng Internet tại Việt Nam đạt hơn 72 triệu người (chiếm 73% dân số) và hiện là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới; số người dùng mạng xã hội hiện nay là 76,95 triệu người (chiếm 78,1% dân số).

Dù vậy, thực tế cho thấy, thời gian qua, lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do Internet, thông qua các nền tảng mạng xã hội, các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch tăng cường bôi nhọ, công kích Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, liên tục điều chỉnh hình thức, chiêu trò chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức, làm hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Đây là một thủ đoạn hết sức nguy hiểm, chúng ta cần hết sức cảnh giác và đấu tranh quyết liệt với chúng!

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.