Từ góc nhìn của một người Mỹ gốc Việt

Như nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, ông David Lee (Ða-vít Li) – một người Mỹ gốc Việt, đã nhiều lần bày tỏ thiện cảm và trân trọng với sự phát triển của quê hương, cho dù vẫn còn không ít khó khăn, vất vả; thẳng thắn góp ý để khắc phục những hiện tượng chưa được tốt hoặc tiêu cực. Ðồng thời ông cũng đã nhiều lần thẳng thắn vạch rõ bản chất các phe nhóm chống cộng, phê phán hoạt động của một số vị linh mục ở Việt Nam thiếu thiện chí với quê hương, đất nước. Lược ghi từ hai video-clip có tiêu đề “Những người chống cộng chưa bao giờ dám khen Việt Nam” và “Nói về linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong và những người lợi dụng tôn giáo làm chính trị” mà ông David Lee mới công bố rộng rãi trên mạng internet đầu tháng 9-2019 sẽ phần nào cho thấy cụ thể về các nội dung này. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo…

(Kỳ 1)

Trước đây tôi chê Việt Nam rất nhiều, nhưng chê với mục đích mong đất nước ngày càng phát triển hơn, mong cái tiêu cực ngày càng biến dần. Sau mấy chục năm đổi mới, dù đất nước chưa tiến nhanh như tôi trông đợi, nhưng đã có phát triển tích cực rõ ràng, sao tôi lại không thể đưa ra những lời khen? Sau khi những người gốc Việt như tôi về thăm đất nước, mấy người chống cộng hỏi một câu rất vô duyên: “Sao không về bên đó đi làm, không về bên đó mà ở?”. Tại sao người ngoại quốc khen Việt Nam mà các vị im lặng, không dám nói? Các vị không khen thì để người khác khen, quan trọng là những gì tôi khen đúng hay không. Mấy người chống cộng không chỉ vô duyên mà còn ấu trĩ, nhỏ nhen và họ ngày càng côn đồ.

Tôi ở ngay Little Saigon (Sài Gòn nhỏ), có người chống cộng nào đến gặp tôi không. Các vị chỉ dám lên mạng che mặt, che mũi cào bàn phím, 44 năm trốn trong lu đậy nắp thò tay ra để chát chít, nhưng vẫn sợ người ta thấy dấu vân tay của mình. Chống cộng mà nấp trong buồng, chỉ biết rình xem có ai nói khác và mình không đồng ý là phê phán, chụp mũ, bắt bẻ, chửi bới. May mà thế giới tiến bộ đã phát minh được internet (in-tơ-nét), smartphone (điện thoại thông minh) nên các vị mới có điều kiện để chống cộng, vào những năm 80 của thế kỷ trước, chưa có các phương tiện đó thì các vị lấy gì để chống!…

Ðã có bao nhiêu người Mỹ, Hàn Quốc, Xin-ga-po… tìm đến Việt Nam để làm ăn sinh sống. Họ đầu tư ở nhiều nơi, chứng tỏ ở Việt Nam phải có cái gì đó người ta mới đầu tư. Chắc chắn phải là môi trường tốt họ mới tìm đến. An sinh xã hội cần nhìn từ hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Một đất nước bảo đảm an sinh xã hội thì phải tận thu, mà trước hết là thuế. Ở Mỹ, người độc thân đi làm phải trừ 30% thuế thu nhập, ăn một tô phở, mua một cái áo hay bất cứ cái gì cũng phải đóng thuế, nhà ở cũng phải đóng thuế. Thuế nhà hằng năm của em tôi tại một khu trung lưu ở Florida (Phờ-lo-ri-đa) là 10 nghìn USD. Nhờ thu thuế chính quyền mới có tiền để trang trải, lo cho người thất nghiệp, cho an sinh xã hội.

Với nước nào cũng vậy. Song nhìn theo nhãn quan về thuế má của các vị chống cộng, nếu bây giờ Nhà nước Việt Nam tiến hành thu thuế 30%, tôi bảo đảm không chỉ 100% mà 1.000%, giới chống cộng, nhất là ở hải ngoại, sẽ la làng là “Nhà nước Việt Nam bóc lột con người, người đi làm phải đóng 30% thuế”! Trời đất cho chúng ta cái đầu để tìm hiểu và so sánh, quý vị chống cộng lười tìm hiểu, chộp được cái gì có thể chống cộng là la làng ngay. Tôi thấy Nhà nước Việt Nam thất thu thuế rất nhiều, mà theo lời kể của bạn tôi thì thuế rất rẻ, mà tăng thuế lên là giới chống cộng bắt đầu xách động. Song khi đời sống của nhân dân còn nghèo, Nhà nước Việt Nam không thể đành lòng, không thể thu thuế của dân như các quốc gia phát triển khác…

Chống cộng bằng cách lấy an sinh xã hội, luật lệ ở Mỹ để so sánh với Việt Nam là khập khiễng. Nước Mỹ cũng rất nhiều tiêu cực, nếu muốn, tôi có thể chê rất nhiều và lên án. Nếu các vị thật sự vì 90 triệu người dân Việt Nam, thì các vị nên tìm hiểu rồi viết nên những bài súc tích kêu gọi người dân Việt Nam tự giác khi sử dụng các phương tiện giao thông. Tôi về Việt Nam nhiều lần, tôi không lên án cảnh sát giao thông, không phải vì tôi sợ. Nhiều cảnh sát giao thông, nhiều luật lệ thì vẫn chỉ có tính răn đe, không bằng việc mỗi người dân tự giác khi sử dụng phương tiện giao thông. Lật đổ chế độ cộng sản chắc chắn không bao giờ lật được, nếu thật sự vì nhân dân, tại sao các vị không giúp họ trong những việc như vậy…

Những quý vị rất ác độc, chứ không thương dân. Các vị chỉ lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường, các vị chỉ mong người dân bị nhiễm độc thức ăn càng nhiều càng tốt để các vị có cớ lên án cộng sản Việt Nam. Các vị đặt lòng căm thù lên trên tất cả, chỉ lợi dụng người dân. Tôi dám nói như vậy vì 44 năm qua tôi chưa thấy một bài viết, một lời lẽ nào của các thành phần chống cộng có thể làm an dân. Các vị bảo tôi “thân cộng”, vâng tôi “thân cộng” thì sao. Tôi thân việc làm tốt cho xã hội của cộng sản, bất cứ việc gì làm tốt cho xã hội thì tôi thân…

Các vị muốn lật đổ cộng sản, không có đâu, ngoài cái mồm thì các vị có cái gì để lật đổ cộng sản, mà cái mồm nói cũng không ra chuyện nên phải xuyên tạc sự thật. Tôi cũng như quý vị, từng kỳ vọng nước ngoài sẽ làm Việt Nam thay đổi, nhưng ngày nay hãy mở mắt ra để nhìn, các nước lớn và lãnh đạo các nước lớn đã đến Việt Nam, thắt chặt quan hệ, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a cũng vừa mới thăm Việt Nam. Vậy các vị kỳ vọng vào ai, lấy cái gì lật đổ cộng sản? Các vị có dám nghỉ làm, xin trợ cấp xã hội để ở nhà chống cộng sản không, như thế thì vợ con đói, không có tiền để trả tiền nhà, đóng bảo hiểm. Các vị có tinh thần, vâng, nhưng với tinh thần ấy thì bao giờ lật đổ được cộng sản? Một xã hội đang đổi mới với những con người dám can đảm đổi mới, sao các vị không vỗ tay? Họ xứng đáng để được vỗ tay, cá nhân tôi thì vỗ tay, còn các vị không dám vỗ tay thì cứ phủ nhận.

Tôi khuyên các vị nên về Việt Nam. Không về cũng được, hôm nay internet cho phép các vị muốn tìm hiểu gì Việt Nam chỉ cần bấm chuột và nửa phút sau là sự thật sẽ được phơi bày. Báo chí ở Việt Nam cũng đâu có che giấu. Những sự thật rõ ràng xảy ra hằng ngày, nếu các vị là con người chân chính, thì các vị cần nhìn nhận những điều tích cực ở Việt Nam để kỳ vọng. Còn kỳ vọng lật đổ cộng sản thì không thể thành công. Tôi nghĩ các vị không dám nói ra, nhưng các vị đã và đang đi vào đường cùng. Tôi dám nói như vậy…

Có nhiều chuyện cần nói ngay trong “cộng đồng tị nạn cộng sản” mà các vị cũng không dám nói. “Việt tân” lúc nào cũng vỗ ngực tự coi là “chính đảng” nhưng suốt mấy chục năm nay chưa bao giờ xin được cái giấy phép “thành lập đảng”. Khi người ta đưa ra chuyện bao nhiêu năm quyên tiền thì lại đổ thừa cho nhau là không biết, nghĩa là đồng tiền bịp bợm đồng hương để đóng góp lại chui vào túi riêng của những kẻ trong “Việt tân”. Ðó là vấn đề cần lên tiếng để làm trong sạch cộng đồng của các vị, nhưng các vị im lặng, mà im lặng là thỏa hiệp với gian dối, giả dối. Càng ngày tôi càng khinh các vị, dù trong các vị có người là bạn tôi.

Ngay cái việc nhỏ ở địa phương mà các vị im lặng, có nói hay lên án thì chui vào xó xỉnh, giữa đám bạn bè, không dám nói thẳng ra, như thế là hèn. Lúc nào các vị cũng “tổ quốc, quốc gia trên hết”, nhưng lãng xẹt. Ngay “tổ quốc nhỏ” là Little Saigon các vị còn để cho dơ dáy, ngày càng ô nhiễm thì “tổ quốc lớn” các vị có làm được không. Nhà có rác mà không lo quét, lại cứ muốn “quét rác” ở tận nơi cách nửa vòng trái đất. Ðối với tôi, đó là những người giả nhân, giả nghĩa. Họ không có lập trường, chỉ có căm thù, và mục đích của họ là chống cộng nhưng đã vào đường cùng. Họ chỉ ấm ức, tự ái cho bản thân mà thôi. Họ có cái “hay” nhất mà tôi không dám phủ nhận, đó là suy diễn và chụp mũ suốt 44 năm. Các vị lên án cộng sản, nhưng chính việc làm của các vị lại thua những người cộng sản rất xa…

Đối với tôi, không có chỗ nào bằng hoặc hơn nơi “chôn nhau, cắt rốn”, dù nơi đó có thể nghèo, nơi đó có thể lầm than…

Ở Việt Nam, nơi nào phát triển thì tôi mừng cho nơi đó. Tôi có quan điểm cho rằng ở bất cứ nơi nào, ngay cả ở Mỹ, sự phát triển của đô thị sẽ hỗ trợ sự phát triển của nông thôn. Ở Ðà Nẵng cũng vậy. Tôi về Việt Nam lần đầu tiên năm 1995 và hay đi chợ Tam Giác ở Ðà Nẵng mua mấy thứ rau tôi thích. Cũng có người ở vùng quê không chỉ ra chợ mà còn gánh rau đến tận nơi tôi ở để bán. Họ đi từ rất sớm, mà bán đâu có hết, rẻ cũng không ai mua, lại gánh về, có lẽ chỉ để cho heo ăn, rất vất vả. Nhưng ngày nay tôi thấy người nông dân đã sản xuất được nhiều loại rau, làm ra những sản phẩm nông nghiệp tốt, đúng tiêu chuẩn thì chỉ cần ngồi nhà đã có thương lái đến tận nơi mua, thậm chí trả tiền trước đặt mua để cung cấp cho các nhà hàng ở TP Ðà Nẵng. Như vậy là sự phát triển của thành phố đã mang lại ích lợi cho nông thôn, cho người nông dân…

(Còn nữa)

NHÂN DÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.