KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC TÌNH HÌNH TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Thời gian gần đây trên không gian mạng tiếp tục xuất hiện những thông tin sai lệch, tiêu cực, những đánh giá phiến diện về tình hình hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Trong đó, trang mạng Quyền Được Biết đã tán phát bài viết: “Thế nào là Tự Do Tôn Giáo?” có nhiều nội dung xuyên tạc, vu cáo khi cho rằng, “trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam, tôn giáo hoàn toàn không có tự do; Việt Nam đang bị thế giới lên án là không có tự do tôn giáo”;… Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, bịa đặt, phản ánh một cách lệch lạc tình hình hoạt động tôn giáo ở nước ta.

Chúng ta biết rằng, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là chủ trương, chính sách xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật…”. Đến Đại hội lần thứ XIII Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”.

Trong Hiến pháp và các văn bản luật của Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân luôn được ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 (Chương II) của Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đặc biệt, sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 đã chứng tỏ Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và quyết tâm phấn đấu đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với gần 27 triệu tín đồ, trên 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự… Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, không bị ép buộc, cấm đoán. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo. Ở Việt Nam ngày càng có thêm nhiều tổ chức tôn giáo được công nhận và hoạt động. Số lượng các tín đồ tôn giáo tăng nhanh. Các cơ sở thờ tự liên tục được xây dựng, mở mang, tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo. Hoạt động in ấn, phát hành kinh sách được xuất bản tự do theo nhu cầu của các tôn giáo. Công tác giáo dục, đào tạo về tôn giáo được thúc đẩy. Các hoạt động đối ngoại về tôn giáo ngày càng được đẩy mạnh… Có thể khẳng định, đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ phong phú, sôi động như hiện nay. Các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ.

Từ những minh chứng trên cho thấy, tự do tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận; các tín đồ, chức sắc và các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã và đang phát huy vai trò tích cực của mình trong đời sống xã hội. Đó cũng là sự phản bác mạnh mẽ đối với các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tôn giáo ở nước ta hiện nay.

(NA.PB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *