MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA LÀ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN, PHÙ HỢP

Mới đây, trên trang mạng Việt Nam Thời Báo đã tán phát bài viết “Kinh tế phi thị trường tác hại dân mức nào’’? với nội dung xuyên tạc, bóp méo, vu cáo quan điểm, đường lối phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Chúng tung ra luận điệu “khuyên” rằng, Đảng ta muốn phát triển kinh tế, phát triển đất nước phải từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa để đưa đất nước theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Đây là luận điệu vô căn cứ nhằm gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin đến một bộ phận quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội.

Như đã biết, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã sử dụng kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Đến nay, trên thế giới đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển như: kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường xã hội ở Đức, kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển… dù ở mức độ khác nhau, đều có định hướng xã hội. Đây là xu hướng tiến bộ, là những mầm mống của chủ nghĩa xã hội trong lòng các nước tư bản phát triển. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mô hình này sử dụng cả kinh tế thị trường và cả kinh tế tư bản chủ nghĩa để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhất là ở các nước phát triển hiện nay, nhà nước tạo khung pháp luật cho cạnh tranh; bảo vệ, thúc đẩy, tôn trọng cạnh tranh lành mạnh; ngăn ngừa, hạn chế độc quyền cản trở cạnh tranh và chống lại các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh; điều tiết và giải quyết các thất bại của thị trường. Có thể khẳng định, trong tất cả các nền kinh tế thị trường trên thế giới hiện nay, đều có hoạt động của các quy luật kinh tế thị trường và có vai trò quản lý của nhà nước. Nhà nước vừa bảo đảm, tôn trọng, tạo môi trường hoạt động cho các quy luật kinh tế thị trường; vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực, tự phát do các quy luật kinh tế thị trường gây ra; giữ môi trường ổn định cho phát triển kinh tế và hướng sự phát triển kinh tế vào các mục tiêu xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, quan tâm đến an sinh xã hội.

Thực tiễn cho thấy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế như: Đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do sản xuất, kinh doanh, lưu thông những hàng hóa mà pháp luật không cấm, các chủ thể kinh tế cạnh tranh bình đẳng, hệ thống thị trường phát triển ngày càng đồng bộ; vai trò của nhà nước về quản lý kinh tế đã đổi mới, quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường.

Có thể thấy, qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Do đó mọi luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta điều trở nên vô nghĩa.

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *