CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA THỦ TƯỚNG TRUNG QUỐC
Vừa qua, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 14/10, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Lý Cường đến thăm Việt Nam, thể hiện tầm quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi dụng sự kiện, các thế lực thù địch, phản động núp dưới danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền” đã tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc một cách trắng trợn về mục đích, ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Cường.
Chúng ta đều biết rằng, trong 74 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc có lúc thăng, lúc trầm, tuy nhiên hữu nghị, hợp tác vẫn là xu thế chính. Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đã củng cố và nâng mối quan hệ hợp tác lên thành chiến lược toàn diện. Đây là khung hợp tác cao nhất và nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước được duy trì thường xuyên thông qua nhiều hình thức. Qua đó lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được nhiều thỏa thuận chung, quan trọng về việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, nhất là qua hai chuyến thăm mang tầm vóc lịch sử trong năm 2022 và năm 2023 của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tập Cận Bình, cùng với 2 bản tuyên bố chung lần lượt được công bố: “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” và “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Mặc dù hiện nay còn có nhiều bất đồng, nhất là vấn đề trên biển và trong duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, song hai bên đã nhất trí cần tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước là cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được, phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp. Do vậy, những luận điệu kêu gọi Việt Nam phải “thoát Trung” mà những kẻ cơ hội, phản động đang cổ súy, tung hô nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới nước ta thực chất là sự xuyên tạc, phá hoại mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, gây kích động trong dư luận nhân dân, tạo cớ để chúng thực hiện những mưu đồ chính trị xấu xa hòng chống phá đất nước.
Cần nhớ rằng, Biển Đông là một phần quan trọng trong toàn bộ mối quan hệ Việt – Trung. Vì thế, chính sách của Việt Nam luôn nhất quán. Việt Nam lên án các hành vi xâm lấn trái phép của Trung Quốc, phản đối công khai, rộng rãi và vận động dư luận quốc tế, sự ủng hộ của các nước, kiên quyết không lùi bước, phát huy thế “chính nghĩa” của mình, đồng thời tăng cường trao đổi, tích cực đối thoại song phương giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hiện nay phải luôn tự chủ, độc lập, tự cường, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, chứ không thể chỉ dựa vào việc liên minh quân sự với một cường quốc. Những bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông hiện nay là vấn đề khó khăn, phức tạp, lâu dài, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Không phải cứ có cường quốc “bảo vệ, che chở” thì các nước đồng minh sẽ giữ được chủ quyền lãnh thổ.
Từ lợi ích mỗi nước trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian qua, nếu quan hệ hợp tác đổ vỡ, cả hai nước đều chịu những tổn thất to lớn, thậm chí gây rối loạn đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn hơn. Ngược lại, quan hệ mối quan hệ này càng mở rộng, mật thiết thì môi trường đối thoại và lợi ích chung tăng lên, nguy cơ đối đầu, xung đột giảm xuống, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Do đó, “Bài Hoa, thoát Trung” là luận điệu xuyên tạc trống rỗng của các thế lực thù địch hòng phá vỡ mối quan hệ hữu nghị, truyền thống Việt Nam – Trung Quốc. Mọi người cần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc này của các thế lực thù địch.
QUANG MINH