NHẬN DIỆN THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG HIỆN TƯỢNG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Việt Nam hiện có 15 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 25 triệu tín đồ, hơn 83 nghìn chức sắc, nhà tu hành, 134 nghìn chức việc, 27 nghìn cơ sở thờ tự. Những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó, đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, chấp hành tốt pháp luật, thực sự trở thành lực lượng quan trọng hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối trong và ngoài nước luôn lợi dụng những vấn đề còn tồn tại đời sống xã hội là cơ sở có thể nảy sinh xung đột tôn giáo để chống phá đất nước. Trong thời gian gần đây, chúng gia tăng lợi dụng các hiện tượng mạng xã hội liên quan tôn giáo thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng Nhân dân để công kích nội bộ các tôn giáo, nhằm chia rẽ tín đồ, khoét sâu các mâu thuẫn để gây phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đất nước ta.

Những vấn đề trên không nằm ngoài chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá Việt Nam. Phương thức cụ thể của chúng là các đối tượng bên ngoài cấu kết với các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước triệt để lợi dụng các nhân tố như đã phân tích trên để chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, giữa tôn giáo với chính quyền, với đồng bào không theo đạo. Chúng phát tán các tài liệu, clip được cắt ghép, chỉnh sửa nhằm làm xói mòn niềm tin tôn giáo, gieo rắc hoài nghi giữa các tín đồ, chức sắc nhằm gây mâu thuẫn trong nội bộ tôn giáo và hạ uy tín của tôn giáo đó. Các thế lực thù địch còn cố tình xuyên tạc, tạo sự đối lập giữa tôn giáo này với tôn giáo khác với luận điệu “Nhà nước đang ủng hộ, hậu thuẫn, coi trọng tôn giáo này, bóp nghẹt tôn giáo kia”, đồng thời, phủ nhận chính sách bình đẳng giữa các tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Với thủ đoạn này, chúng nhằm “một mũi tên trúng hai đích”, vừa xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, gây mâu thuẫn giữa giáo hội với chính quyền, vừa gây chia rẽ giữa các tôn giáo thậm chí làm cho các tôn giáo đối đầu với nhau.

Qua nghiên cứu, nhận thấy các tôn giáo thường có thế giới quan và nhân sinh quan khác nhau. Đó là cơ sở tạo nên những hệ thống giá trị tinh thần, quan niệm đạo đức và các niềm tin khác nhau giữa các tôn giáo. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm quyền con người và tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Việt Nam là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 và đang là thành viên nhiệm kỳ 2023 – 2025. Việt Nam đã và đang thực hiện đúng, có hiệu quả các cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc phê chuẩn. Đồng thời, đây chính là bằng chứng thuyết phục nhất, đanh thép bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các lực lượng thù địch luôn tìm cách phủ nhận, xuyên tạc, vu khống tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các tôn giáo ngày càng đoàn kết, gắn bó thống nhất trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ vai trò trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, bảo vệ Tổ quốc vững bền.

PHẠM TOÀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *