KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC VỀ TÌNH HÌNH TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
Trên trang mạng của nhà đài VOA Tiếng Việt mới đây đã đăng tải thông tin cho rằng, “nhiều nhà hoạt động tự do tôn giáo Việt Nam tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân” và kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ đưa “Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” và có những chế tài thích đáng…”. Đây là chiêu trò cũ rích cố tình lợi dụng hoạt động tôn giáo, đội lốt “dân chủ” để xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; mọi công dân đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật, không phần biệt người theo đạo và không theo đạo, cũng như giữa các tôn giáo khác nhau. Quan điểm về tín ngưỡng, tự do tôn giáo được hiến định trong Hiến pháp và pháp luật qua các thời kỳ. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” đã cung cấp những thông tin về chính sách, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị Nhà nước ngăn cấm. Các tổ chức tôn giáo được tạo mọi điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật, được Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện để các sinh hoạt, hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường. Đây là khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước; đồng thời, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Việt Nam hiện có 16 tôn giáo được công nhận, với hơn 3.700 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung độc lập, trong đó có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam đã tạo điều kiện để xây dựng, phát triển 62 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Cả nước có gần 27 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, hơn 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Mọi người dân được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cùng với đó, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đoàn kết tôn giáo đã góp phần tạo sức mạnh xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Nhận định về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, ông Kyril Whittaker (người Anh), nhà nghiên cứu chính trị – lịch sử Việt Nam khẳng định: Ở Việt Nam, quyền con người không những được bảo vệ mà còn được phát triển ở mức cao nhất có thể. Việt Nam cũng bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, với nhiều đền, chùa, nhà thờ và các cơ sở tín ngưỡng được xây dựng như một phần của các cộng đồng dân cư; theo ông A. Sauvageot (cựu đại tá CIA từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam) nhấn mạnh: “Nếu ai hỏi tôi, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam là bao nhiêu, theo tôi là 100%. Một điều nữa, tự do không tín ngưỡng của Việt Nam cũng là 100%. Cá nhân tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng làm việc ở Việt Nam, tôi không bao giờ bị mang tiếng xấu vì điều đó. Tôi có nhiều người bạn là người Mỹ và Việt Nam, họ theo Thiên chúa giáo, Tin lành, Phật giáo”.
Từ phân tích trên cho thấy, những thông tin do VOA Tiếng Việt tung ra là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật, cố tình vu cáo tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, chúng ta cần cảnh giác, kiên quyết đấu trang bác bỏ.
(VTH)