Facebook có đang lợi dụng “tiêu chuẩn cộng đồng”!

Gỡ bỏ vì “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”

Mới đây, một bài viết trên Reuter cho biết Facebook thông báo hãng này đã gỡ bỏ một số tài khoản và nhóm trên Facebook “có liên quan đến lực lượng dư luận viên Việt Nam là lực lượng 47” vào ngày 9/7/2021. Trong số nhóm bị gỡ có nhóm E47 được xác định có liên hệ với “lực lượng 47” của quân đội. Theo Reuters, nhóm E47 đã huy động các thành viên bao gồm cả những người trong và ngoài quân đội để báo cáo những nội dung trên Facebook cho hãng để gỡ bỏ các nội dung này.

“Lực lượng 47 được thành lập vào năm 2016 là một lực lượng tác chiến trên mạng của quân đội Việt Nam với quân số lên đến hàng ngàn người và có nhiệm vụ theo dõi, đăng tải nội dung lên các nhóm Facebook để bảo vệ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu về mạng xã hội, lực lượng này là một trong những lực lượng đông đảo nhất và có mạng lưới gây ảnh hưởng phức tạp nhất ở khu vực Đông Nam Á”, Theo bài viết trên Reuter

Reuters trích lời người phát ngôn Facebook cho biết, việc gỡ bỏ những nhóm và tài khoản có liên quan đến “lực lượng 47” mới đây được coi là loạt gỡ bỏ lớn nhất của hãng này theo chính sách về báo cáo của hãng.

Tuy nhiên, cũng theo Reuters, nhiều tài khoản và nhóm có liên quan đến “lực lượng 47” hiện vẫn còn hoạt động. Nguồn từ Facebook cho Reuters biết lý do là vì các tài khoản này hoạt động dưới các tên thật và không vi phạm chính sách của công ty.

Thế nào là “tiêu chuẩn cộng đồng”

Có thể thấy, theo Reuter thì facebook nói nhóm E47 bị gỡ bỏ vì nhận được báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Thực tế, theo nhiều chuyên gia, thì từ trước đến nay, nếu một tài khoản hoặc một bài viết nào đó bị nhiều người dùng mạng cùng “report” thì tức là đã đủ để xem xét vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, và do đó có thể bị facebook xem xét gỡ bỏ.

Vậy “tiêu chuẩn cộng đồng” của facebook là gì?

Tiêu chuẩn cộng đồng được Facebook định nghĩa là các quy tắc để quyết định xem những gì có thể và không thể đăng lên Facebook. Mục đích của các quy tắc là tạo ra một môi trường lành mạnh, nơi người dùng có thể tự do thể hiện bản thân một cách an toàn. Những điều đó dựa trên 3 nguyên tắc là An toàn, Tiếng nói và Công bằng. Để triển khai chi tiết hơn, Facebook cho biết đã liên tục cập nhật nhiều phiên bản về tiêu chuẩn công đồng và nó được công khai trên Facebook bằng nhiều ngôn ngữ, tất nhiên là có tiếng Việt. Bên cạnh tiêu chuẩn cộng đồng chi tiết, Facebook cho biết đã mở rộng các điều kiện kháng nghị cho người dùng. Một khi bài đăng bị Facebook gỡ, người dùng có thể bấm nút và cho Facebook biết bạn không đồng ý về điều đó. Về việc kiểm duyệt nội dung. Facebook cho biết họ có một đội ngũ chính sách nội dung với đa dạng thành phần, từ công tố viên, luật sư và chuyên gia về an toàn. Đội ngũ này hoạt động từ các văn phòng đặt tại khắp nơi trên thế giới, đồng thời thường xuyên làm việc với những tổ chức, chuyên gia, giảng viên về an toàn online…

Tiêu chuẩn cộng đồng cao hơn luật pháp quốc gia

Theo đánh giá của Cục PT-TH&TTĐT, Facebook gần đây rất ít hợp tác trong ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật, ngay cả khi những bài viết rõ ràng nói xấu, xuyên tạc về các lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhưng Facebook vẫn cố tình không gỡ bỏ. Facebook vẫn luôn có lý do là không vi phạm các quy định, tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Việc này cho thấy Facebook đặt tiêu chuẩn cộng đồng của họ cao hơn pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, đối với những vấn đề có liên quan mật thiết đến tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và các giá trị mà Facebook theo đuổi (dân chủ, nhân quyền tự do Internet, tự do ngôn luận) thì Facebook kiên quyết không nhượng bộ do đang chịu sức ép lớn. Đó là lý do Facebook từ chối gỡ bỏ các trang phản động chống phá Nhà nước Việt Nam.

Theo kinh nghiệm quản lý mạng xã hội tại Hàn Quốc, chỉ những người được định danh (xác thực ID trực tuyến với mã số cá nhân được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu quốc gia) mới đăng tải và nhận xét trên các trang thông tin điện tử;

Tại Trung Quốc, quốc gia này cũng yêu cầu những người dùng phải cung cấp tên thật và phải đồng ý với thỏa thuận “tuân thủ luật pháp và các quy định, hệ thống xã hội, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự công cộng, đạo đức xã hội và đảm bảo tính xác thực với thông tin họ cung cấp”; các mạng xã hội, trang tin chỉ cho phép các thành viên đã được xác thực danh tính mới được đăng bài và đăng nhận xét.

Tương tự, tại Nga, nếu phát hiện thông tin vi phạm, cơ quan quản lý yêu cầu website gỡ bỏ thông tin này trong vòng 3 ngày, không kể doanh nghiệp trong hay ngoài nước. Nếu chủ website không gỡ bỏ thì sẽ bị chặn trên toàn lãnh thổ. Các công ty lớn như Facebook, Google, Twitter cũng cấp quyền cho Roskomnadzor tự đóng các nội dung vi phạm.

Bởi vậy, thời gian tới, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần hoàn chỉnh hành lang pháp lý để tăng cường quản lý các nền tảng này, bảo vệ người dùng trong nước khỏi các thông tin xấu độc và tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cạnh tranh.

Trần Hoàng Chinh/HSV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.