Quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được bảo đảm – sự thật không thể bác bỏ, xuyên tạc
Tại buổi họp báo do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 15/12/2022, khi được hỏi phản ứng của Việt Nam về việc đầu tháng 12/2022 Hoa Kỳ thông báo đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã nói rõ: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền con người, cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”. Chính thực tiễn sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đã bác bỏ những đánh giá thiếu khách quan của các thế lực không thiện chí với Việt Nam.
Cần khẳng định rằng, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Đây là một trong những quyền cơ bản của mọi người, được Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây, cũng như Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay khẳng định trên nguyên tắc hiến định. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2). Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với Hiến pháp năm 2013, việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.
Thế nhưng, do tư tưởng định kiến với Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch ở trong nước và ngoài nước, trong đó có Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) vẫn bất chấp những thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân để xuyên tạc trắng trợn về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. USCIRF vẫn thường xuyên sử dụng thông tin, tài liệu cũ, không chính xác từ các nhóm, phái tôn giáo chưa được nhà nước công nhận cùng số chức sắc cực đoan bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước để đưa vào các báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu, phê phán việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam và khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo. Họ tự cho mình quyền được khuyến khích, cổ vũ các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không cần xin phép, đăng ký chính quyền, thúc đẩy các hoạt động “tà đạo, đạo lạ” ở các vùng sâu, vùng xa, gia tăng hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, gây bức xúc trong xã hội và nhân dân. Họ xuyên tạc rằng “cả Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đều có những quy định nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo”(!). Họ cho rằng “Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam bao gồm: các điều khoản mơ hồ cho phép tự do tôn giáo vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội là “bước thụt lùi”, “bóp nghẹt tôn giáo” không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người”(!). Họ lợi dụng triệt để quan điểm “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật” để cho rằng “tự do tôn giáo của Việt Nam chỉ là hình thức”(!). Họ dựa vào việc các tổ chức đội lốt tôn giáo, có những hoạt động vi phạm pháp luật, như: tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (Tây Bắc), Hà Mòn (Tây Nguyên), tịnh thất Bồng Lai (Long An),… bị chính quyền xử lý để vu khống Việt Nam “vi phạm tự do tôn giáo, cấm đoán tôn giáo, đàn áp tôn giáo”, v.v.
Tuy nhiên, thực tiễn sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam hoàn toàn khác xa với những nhận định thiếu khách quan, mang tính định kiến, xuyên tạc trên. Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được pháp luật thừa nhận và thực thi trong thực tế; không có chuyện Nhà nước hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và cũng không có chuyện “đàn áp tôn giáo”. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã mở rộng nội hàm khái niệm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của “mọi công dân” (Hiến pháp năm 1992), bằng của “mọi người” là một bước tiến rất nhân văn. Theo đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được mở rộng cho cả những “người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc” và “người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam”. Nhất quán với Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khẳng định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; (2). Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; (3). Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo; người chưa thành niên,… phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý; (4). Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác”. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không đưa ra giới hạn nào về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà chỉ nghiêm cấm “xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cụ thể hóa nội dung này, Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “(1). Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; (2). Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; (4). Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo mà: (a). Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; (b). Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; (c). Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; (d). Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; (5). Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi”.
Cần nhấn mạnh rằng: những quy định trên hoàn toàn tương thích với các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Trong luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của các quốc gia, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải tôn trọng và không ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác và đặc biệt không được ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, môi trường, đạo đức xã hội. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và ổn định, phát triển xã hội, Khoản 3, Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (năm 1966) đã nhấn mạnh: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định pháp luật và các giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”1. Điều 9, Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cũng khẳng định: “Quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của một người chỉ bị luật pháp giới hạn nếu điều đó là cần thiết trong một xã hội dân chủ, phục vụ an ninh công cộng, bảo vệ trật tự trị an, sức khỏe, chuẩn mực đạo đức chung hoặc các quyền và sự tự do của người khác”2. Luật Phân ly 1905 của nước Pháp cũng quy định: “Cộng hòa Pháp bảo đảm tự do tín ngưỡng. Nó bảo đảm quyền tự do hành đạo với những hạn chế vì quyền lợi duy trì trật tự công cộng”3. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là phải có giới hạn, quyền ấy sẽ bị hạn chế vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội, môi trường, chứ không như những đòi hỏi vô lý của các thế lực phản động, thù địch, không thân thiện với chế độ chính trị ở Việt Nam. Hẳn chúng ta còn nhớ, năm 2012, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ 07 thành viên nhóm Hutaree (Hu-ta-ri) tự xưng là “chiến binh Thiên chúa giáo” vì có âm mưu chống lại chính quyền; còn tháng 7/2018, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã thi hành án tử hình đối với 06 thành viên giáo phái “Ngày tận thế” (Aum Shinrikyo) cùng thủ lĩnh là Giáo chủ Shoko Asahara do gây ra vụ tấn công bằng chất độc sarin năm 1995 nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo và các tội ác khác. Điều đó cho thấy, ở bất cứ quốc gia nào, ai lợi dụng quyền tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật thì cũng đều bị trừng trị; ở Việt Nam không có “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân lương tâm” như các thế lực phản động, thù địch rêu rao, mà chỉ có những người lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật mới bị xử lý.
Những năm qua, ở Việt Nam, nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo ngày càng được hoàn thiện và được thực hiện nhất quán trong thực tiễn, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng phong phú; số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Nếu năm 2003, cả nước có 15 tổ chức thuộc 06 tôn giáo với 17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc, thì năm 2022, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 26,7 triệu tín đồ, 55.000 chức sắc, 135.000 chức việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự, v.v. Nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo đã thu hút hàng vạn tín đồ nhân dân tham dự, nổi bật như: tháng 12/2017, Giáo hội Tin lành tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành; tháng 7/2019, Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai, với đại biểu của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công 03 Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc (năm 2008, 2014, 2019), riêng năm 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) đã thu hút sự tham dự của trên 3.000 đại biểu chính thức (trong đó có 570 đoàn quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ). Với quy mô hoạt động tôn giáo hàng vạn người, chính quyền các cấp đã hỗ trợ các tôn giáo về các phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm để nhân dân được tự do hành lễ, thoả mãn nhu cầu đời sống tâm linh, v.v.
Công tác đào tạo chức sắc được các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh. Trước năm 1990, cả nước có 06 cơ sở đào tạo tôn giáo, đến năm 2021 đã tăng lên thành 63 cơ sở đào tạo, mỗi năm có hàng nghìn người tốt nghiệp; ngoài ra, còn có hàng trăm người đang du học tại nước ngoài. Nhờ vậy, số chức sắc, nhà tu hành tăng rất nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn việc đạo cho tín đồ. Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hằng năm,… của các tôn giáo cũng được thực hiện thuận lợi theo đúng quy định của pháp luật.
Việc in ấn, xuất bản, dịch thuật một khối lượng lớn kinh sách, đồ dùng việc đạo được các tôn giáo đẩy mạnh trong những năm qua. Theo báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III (năm 2019), cả nước có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in và hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ (trong đó có nhiều kinh sách được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai), 12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo; phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.
Công tác xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang cơ sở thờ tự của các tôn giáo cũng được quan tâm đẩy mạnh trong những năm qua. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hoạt động của các tổ chức tôn giáo, chính quyền các địa phương đã quan tâm giải quyết, cấp đất cho các tổ chức tôn giáo. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, trong 10 năm (2012 – 2022) thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm héc ta đất để xây dựng cơ sở thờ tự, như: Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500 m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện thành kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000 m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; Thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000 m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng Trị giao thêm 15 héc ta cho Giáo xứ La Vang, v.v.
Có thể khẳng định rằng, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam những năm qua là rất đa dạng, sôi động và phong phú. Những thực tiễn kể trên là minh chứng sinh động, rõ nét nhất cho tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Những thành tựu đó không chỉ nhân dân trong nước, trong đó có tín đồ các tôn giáo ghi nhận, mà còn được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việc Việt Nam lần thứ hai trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 với số phiếu ủng hộ của 145/189 nước đã một lần nữa khẳng định quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam nói riêng được bảo đảm tốt, không thể phủ nhận. Do vậy, những nhận định thiếu khách quan, không đúng với thực tế tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam sẽ không bao giờ có giá trị, mà chỉ làm tổn hại cho quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Mỹ, cần phải được vạch trần, phê phán, bác bỏ.
NGUYỄN NGỌC HỒI/TCQPTD
_____________
1 – Trung tâm nghiên cứu quyền con người và Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Văn kiện quốc tế về quyền con người, H. 2000, tr. 212.
2, 3 – W. Cole Durham, JR. Brett, G. Scharffs – Luật pháp và tôn giáo tiếp cận so sánh quốc gia, quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 2014, tr. 141- 142.