KÍCH ĐỘNG, GÂY CHIA RẼ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC: HÀNH VI CẦN PHẢI BỊ LÊN ÁN MẠNH MẼ!
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, có 53 dân tộc thiểu số với trên 14 triệu người (chiếm gần 15% tổng dân số), cư trú đan xen nhau, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Xuyên suốt lịch sử, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã đoàn kết cùng nhau xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ. Điều này được quy định rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982 và đến nay đã 5 lần bảo vệ thành công báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD. Thực tế qua gần 40 năm đổi mới càng chứng minh ở Việt Nam quyền của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Các dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, quyền của các dân tộc thiểu số được đảm bảo, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện. Hiện nay, theo thống kê, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 và 97 luật, bộ luật có liên quan đến công tác dân tộc. Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc. Đáng chú ý là bên cạnh tiếp tục thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Việt Nam đã ban hành, tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, với 10 dự án thành phần. Đây là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dân tộc.
Tuy nhiên, trong những năm qua, bất chấp thực tế khách quan, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo… để kích động, lôi kéo, gia tăng các hoạt động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Tổng hội Tin lành Lutheran Mông Mỹ, Ban Cộng đoàn Mông Tây Bắc đã nhóm họp và thống nhất những hoạt động, như: thúc đẩy thành lập “Hội thánh Liên hữu H’mông”; xác định tôn chỉ, mục đích hoạt động theo sắc thái riêng của người Mông, lấy chủ nghĩa dân tộc làm nền tảng, phục vụ lợi ích “chính đáng” của cộng đồng Tin Lành Mông, lấy “đấu tranh chính trị” làm phương châm hoạt động; tập hợp, đào tạo đội ngũ chức sắc Tin Lành Mông trung thành với đường hướng hoạt động; tuyển chọn, đào tạo lực lượng nòng cốt từ các tín đồ Tin Lành Mông…
Có thể thấy, bằng chiêu trò đánh tráo khái niệm “dân tộc bản địa” và “dân tộc thiểu số” đến thủ đoạn đánh đồng khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của dân tộc thiểu số”, Tổng hội Tin lành Lutheran Mông Mỹ đã cố tình kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, lôi kéo người dân tộc thiểu số biểu tình, bạo loạn đòi “quyền dân tộc tự quyết”, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hình thành các tổ chức đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đây là thủ đoạn hết sức nham hiểm, thâm độc, cần phải bị vạch trần, bác bỏ!
Mộc An