TINH GỌN BỘ MÁY CHÍNH TRỊ – GIỮ NGỌN LỬA CÁCH MẠNG TRƯỚC SÓNG GIÓ XUYÊN TẠC (BÀI 4)

“Nhân dân là gốc” – lời dạy bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp với quan điểm của V.I.Lênin về vai trò quyết định của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng, đã khẳng định sức mạnh vô địch của nhân dân trong mọi giai đoạn lịch sử.

Bài 4: NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN – NGỌN LỬA THÉP BẢO VỆ CÁCH MẠNG

Trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị đang đối mặt với những làn sóng xuyên tạc từ “thù trong, giặc ngoài”, người dân Việt Nam, với nhận thức đúng đắn và ý chí kiên cường, đã trở thành “ngọn lửa thép” bảo vệ những thành quả quý giá mà công cuộc này mang lại.

Nhân dân – sức mạnh cội nguồn của cách mạng

Vai trò của họ không chỉ dừng ở việc thụ hưởng thành quả mà còn thể hiện ở sự tham gia tích cực, trách nhiệm vào quá trình thực thi và bảo vệ chính sách. Tại Quảng Ninh, sự đồng lòng của người dân trong việc ủng hộ sáp nhập đơn vị hành chính đã giúp địa phương tiết kiệm 20 tỷ đồng từ năm 2019 đến 2023, nguồn lực này sau đó được sử dụng để hỗ trợ giáo dục và giảm học phí.

Anh Nguyễn Văn Tâm, một người dân tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tham gia các buổi họp dân để giải thích lợi ích của cải cách, góp phần tạo nên sự đồng thuận sâu rộng trong cộng đồng. Tương tự, tại Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Mai đã tổ chức 10 buổi họp dân trong tháng 2/2025 để làm rõ ý nghĩa của việc tinh gọn bộ máy và chính sách giảm học phí, kết quả là 90% người tham dự bày tỏ sự ủng hộ, khẳng định rằng, “chính sách này là vì dân, không phải như mấy trang phản động nói”.

Những con người bình dị như anh Tâm, chị Mai chính là hiện thân của “ngọn lửa thép”, không chỉ bảo vệ ánh sáng cách mạng mà còn lan tỏa sự thật đến từng ngõ ngách của đời sống. Họ không chỉ là những người thụ hưởng thụ động mà là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, góp phần giữ vững niềm tin của dân tộc trước mọi thử thách.

Lợi ích mà cuộc cách mạng hành chính mang lại cho nhân dân thông qua chính sách miễn học phó đã góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình. Đồng thời, việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, như giảm 15% tại tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng dịch vụ công, mang lại sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Nhìn xa hơn, cuộc cải cách này đảm bảo công bằng xã hội thông qua việc phân phối lại nguồn lực hiệu quả, giúp các chính sách an sinh đến đúng đối tượng, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư.

Hành động của nhân dân và giải pháp bảo vệ ngọn lửa cách mạng

Trước làn sóng xuyên tạc từ “thù trong, giặc ngoài”, người dân với nhận thức đúng đắn đã không khoanh tay đứng nhìn mà chủ động hành động để bảo vệ thành quả cách mạng.

Khi Việt Tân vu cáo rằng, tinh gọn bộ máy là “cắt giảm giáo dục”, người dân tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng phản bác bằng cách lan truyền thông tin chính xác trên mạng xã hội, khẳng định rằng 300 tỷ đồng tiết kiệm trong năm 2025 được dùng để giảm học phí.

Đối mặt với luận điệu của Thoibao.de rằng, giảm học phí là “mua chuộc dân chúng”, họ tham gia họp dân để làm rõ sự thật, nhấn mạnh rằng, phụ huynh rất đồng tình ủng hộ chính sách này.

Đối với “thù trong”, sự tỉnh táo của người dân cũng góp phần làm trong sạch bộ máy. Tại tỉnh Thanh Hóa, tháng 6/2024, một nhóm người dân đã mạnh dạn báo cáo lên chính quyền về việc lãnh đạo huyện trì hoãn sáp nhập xã, gây lãng phí ngân sách, nhờ đó tỉnh tiết kiệm được 30 tỷ đồng để phục vụ các chính sách an sinh.

Những hành động ấy không chỉ là minh chứng cho tinh thần “đồng sức đồng lòng” mà còn biến những sai phạm cá nhân thành cơ hội để cải cách sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn.

Để phát huy vai trò của nhân dân và bảo vệ thành quả cải cách trước chiến lược “Diễn biến hòa bình”, cần triển khai các giải pháp mang tính chiến lược.

Trước hết, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của quần chúng về chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã lựa chọn. Việc tổ chức tuyên truyền, lan tỏa các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa lịch sử của cải cách, từ đó kiên định với mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lấy nhân dân làm trung tâm.

Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là giải pháp then chốt trong thời đại mới. Xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số với các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao sẽ minh bạch hóa thông tin, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và giám sát hoạt động hành chính, từ đó ngăn chặn những kẽ hở mà kẻ thù có thể lợi dụng.

Thứ ba, cần phát huy vai trò của nhân dân thông qua các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, tạo điều kiện để quần chúng tham gia giám sát, phản biện và đóng góp ý kiến, xây dựng một bộ máy ngày càng vững mạnh. Cơ chế khen thưởng và kỷ luật cũng cần được thực hiện nghiêm minh, khuyến khích những cá nhân tâm huyết, có năng lực, đồng thời loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất ra khỏi hệ thống.

Người dân với nhận thức đúng đắn chính là “ngọn lửa thép” bảo vệ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị trước mọi âm mưu thù địch. Họ không chỉ thụ hưởng những lợi ích thiết thực mà còn là lực lượng tiên phong lan tỏa sự thật, biến dối trá thành khói bụi tan biến.

Với sự đoàn kết và ý chí kiên cường, nhân dân Việt Nam đã chứng minh rằng, không kẻ thù nào có thể dập tắt ngọn lửa cách mạng đang cháy sáng. Chính những con người bình dị nhưng đầy trách nhiệm ấy sẽ là sức mạnh để đất nước vượt qua mọi thử thách, vững bước trên con đường phát triển bền vững với niềm tin bất diệt vào tương lai của chủ nghĩa xã hội.

(Hết)

THÁI BÌNH – LÊ HỮU/BIÊN PHÒNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *