TINH GỌN BỘ MÁY CHÍNH TRỊ – GIỮ NGỌN LỬA CÁCH MẠNG TRƯỚC SÓNG GIÓ XUYÊN TẠC (BÀI 3)
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị với những thành tựu thấy rõ như tiết kiệm ngân sách Nhà nước để tăng chi đầu tư phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đã chứng minh giá trị của sự thật trước mọi sóng gió xuyên tạc.
BÀI 3: SỰ DỐI TRÁ KHÔNG CHE NỔI ÁNH SÁNG
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”, công cuộc này đã khẳng định được sức mạnh ý Đảng – lòng dân trong dòng chảy của thời đại. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn coi sự phát triển lớn mạnh của đất nước ta là “cái gai trong mắt” nên chúng tìm mọi cách để bóp méo sự thật hòng làm phai mờ ánh sáng cách mạng.
Thành tựu cải cách là ánh sáng bất diệt
Chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác đã chỉ rõ rằng, mọi sự phát triển đều phải trải qua những mâu thuẫn nội tại, từ đó vượt qua khó khăn để đạt tới một trạng thái mới, cao hơn và hoàn thiện hơn. Cuộc cách mạng hành chính tinh gọn bộ máy chính trị tại Việt Nam là một minh chứng sống động cho quy luật ấy. Dù phải đối mặt với những thách thức từ “thù trong, giặc ngoài”, ánh sáng từ những thành tựu cụ thể của cải cách đã và đang tỏa rạng, khẳng định giá trị bất diệt của sự thật trước những luận điệu xuyên tạc.
Ngược dòng lịch sử, khi Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới gần 40 năm trước, đất nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh để lại và sự bao vây, cấm vận của nước ngoài. Trong bối cảnh đó, trước những chủ trương táo bạo, quyết đoán của Đảng, không ít cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lúc bấy giờ hết sức lo lắng, thậm chí tỏ ra hoài nghi, thiếu kỳ vọng vào đường lối đổi mới. Tuy nhiên, bằng tầm nhìn chiến lược, giữ vững kim chỉ nam “lấy dân làm gốc”, Đảng ta đã chứng minh được vai trò “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua sóng gió, chiến thắng thù trong, giặc ngoài một cách đầy vinh quang để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày hôm nay.
Có thể nói, tầm nhìn chiến lược của Đảng kết hợp với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân chính là công thức thành công, là bằng chứng không thể phủ nhận. Cũng như công cuộc tinh gọn bộ máy chính trị hiện nay, đây thực sự là vấn đề rất khó vì liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm đến lợi ích của một số tổ chức, cá nhân. Nếu không có sự đồng thuận, hy sinh, quyết tâm, quyết liệt, mà ích kỷ, cục bộ, an phận thủ thường, ngại khó, ngại khổ… thì rất khó để đạt được mục tiêu đề ra.
Đảng ta đã nói là làm và minh chứng sống động nhất là việc miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập. Theo thống kê, hiện nay, cả nước có 23,2 triệu học sinh (chưa bao gồm học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên). Trong đó, có 3,1 triệu học sinh mầm non dưới 5 tuổi; 1,7 triệu học sinh mầm non 5 tuổi; 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở và 3 triệu học sinh trung học phổ thông.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện chủ trương miễn học phí cho các đối tượng nêu trên, ngân sách Nhà nước phải chi trả khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số không hề nhỏ, do đó bên cạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng thì việc tinh gọn bộ máy hành chính trị “là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước vì đã nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay”(1).
“Sức đề kháng” tốt – “khắc tinh” của thông tin xấu độc
Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị ở nước ta luôn được giữ vững ổn định, tiềm lực quốc phòng – an ninh được củng cố, kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững, vị thế, uy tín ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Trong khi toàn dân hết sức phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước thì các thế lực thù địch, đối tượng phản động vẫn ngày đêm moi móc thông tin, bóp méo sự thật, tìm đủ mọi cách lái dư luận theo tư tưởng cực đoan.
Chúng cố tình rũ bỏ sự thật về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với tất cả các nước. Chúng càng không bao giờ muốn một Việt Nam phát triển thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh nhờ những chủ trương chiến lược của Đảng ta, trong có cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy chính trị hiện nay. Chính vì vậy, chúng tìm cách thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, nhân dân, gây hoang mang trong dư luận, nhất là những người thiếu lập trường, dao động trước những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Việt Tân – một tổ chức phản động thường xuyên chống phá Đảng, Nhà nước gần đây liên tục đăng tải thông tin xuyên tạc về công cuộc tinh gọn bộ máy chính trị ở Việt Nam. Với cách nhìn phiến diện, cách lập luận ấu trĩ, cùng sự thù hằn thâm sâu, chúng vu cáo rằng, ngân sách tiết kiệm từ cải cách “bị lãnh đạo tham ô”, còn người dân “chẳng được hưởng chút lợi ích nào”; hay những người phục vụ cho chế độ “sắp bị ép thôi việc”…
Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 20/1/2025 thì xuyên tạc rằng, cải cách hành chính là “cách để Đảng củng cố quyền lực”, không vì lợi ích của nhân dân. Những luận điệu này được khuếch tán mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhắm vào các đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách như phụ huynh và giới trẻ, nhằm kích động sự bất mãn và làm lung lay nền tảng đoàn kết dân tộc.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một trí thức trẻ ở Hà Nam trải lòng: “Vợ chồng tôi làm việc ở khu công nghiệp Đồng Văn, thu nhập cũng khiêm tốn, trong khi phải nuôi các con ăn học và chăm sóc người thân bị đau yếu. Thỉnh thoảng lướt Facebook, tôi thấy mấy trang phản động hay đăng thông tin trái chiều liên quan đến việc miễn học phí, sáp nhập đơn vị hành chính… Tôi nghĩ rằng, đất nước ta vẫn còn khó khăn, các bác lãnh đạo lo cho dân được chút nào thì quý chút ấy. Chỉ có người thụ hưởng mới thấm thía được giá trị từ những chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Thật vậy, nhìn xa hơn, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối nguồn lực để đảm bảo công bằng xã hội. Một bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ giúp các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, vùng khó khăn đến đúng đối tượng, giảm thiểu thất thoát và lạm dụng, từ đó bảo đảm tính bình đẳng giữa các nhóm dân cư khác nhau. Đồng thời, một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần cải thiện đời sống nhân dân thông qua việc làm và thu nhập ổn định. Quan trọng hơn, những thay đổi này củng cố niềm tin của quần chúng vào Đảng và Nhà nước, tạo nên sự ổn định chính trị – xã hội bền vững, đúng với tinh thần “lấy dân làm gốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Lợi ích quốc gia, dân tộc là trước hết, trên hết
Lợi ích mà cuộc cách mạng hành chính mang lại không chỉ dừng ở những kết quả trước mắt mà còn lan tỏa sâu rộng, tạo nên những giá trị bền vững cho toàn xã hội. Về ngắn hạn, việc minh bạch hóa và rút ngắn quy trình thủ tục hành chính đã góp phần giảm đáng kể các chi phí xã hội như “lót tay” hay tham nhũng vặt, qua đó tiết kiệm nguồn lực cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống thủ tục hành chính rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, giảm rào cản gia nhập thị trường và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, khi bộ máy chính trị được tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ được rõ ràng, phân cấp, phân quyền có hệ thống thì sẽ vận hành một cách thuận lợi, minh bạch, kịp thời, xóa bỏ được sự quan liêu, trì trệ của người thực thi công vụ. Anh Lê Hoài Anh, một công chức đang làm việc trong đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Chủ trương tinh gọn bộ máy chính trị nhận được sự quan tâm lớn của cán bộ, nhân dân. Việc nảy sinh tâm tư, nguyện vọng là rất khó tránh khỏi vì liên quan đến quyền lợi và việc làm nhưng tôi cho rằng, bộ máy hành chính cần phải tinh, gọn, mạnh thì mới đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Để không bị bỏ lại phía sau thì mỗi cán bộ, công chức cần phải nỗ lực hết mình và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Rõ ràng, cho dù các thế lực thù địch chống phá đến đâu, xuyên tạc đến nhường nào mà mỗi công dân, bất kể trí thức hay lao động tự do, cán bộ, công chức hay người dân bình thường có được niềm tin và lòng tự hào, tự tôn dân tộc thì khó có sóng gió nào xoay chuyển được. Do đó, để bảo vệ thành quả cách mạng và đấu tranh với chiến lược “Diễn biến hòa bình”, cần triển khai những giải pháp mang tính toàn diện và căn cơ.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, mạng xã hội là môi trường có sức ảnh hưởng rất lớn, nhất là đối với giới trẻ, do đó các kênh thông tin chính thống cần phải được phát huy mạnh mẽ để đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc. Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách là yếu tố cốt lõi. Các văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không để kẽ hở cho tham nhũng hay lợi ích nhóm len lỏi. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó công tác tuyển dụng cần được đổi mới theo hướng công khai, cạnh tranh lành mạnh, chú trọng năng lực thực tiễn, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, quán triệt tinh thần “vì nhân dân phục vụ” trong mọi hoạt động.
Những thành tựu từ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị, mà kết quả bước đầu là việc tiết kiệm ngân sách, miễn học phí đến sự thuận tiện trong dịch vụ công – là ánh sáng không thể bị che lấp bởi bất kỳ sự chống phá nào. Sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân và quyết tâm chính trị của Đảng sẽ biến mọi sóng gió thành luồng sinh khí bùng cháy “ngọn lửa cách mạng” dẫn đường cho đất nước tiến về phía trước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
THÁI BÌNH – LÊ HỮU/BIÊN PHÒNG
——————————————
(1) Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế (ngày 1/12/2024).