Tỉnh táo để không tiếp tay cho các hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để kích động, gây hoang mang dư luận

Tự do ngôn luận là quyền của tất cả mọi người, được quy định cụ thể trong Hiến pháp và được Đảng, Nhà nước ta bảo đảm trên thực tế. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do vô tổ chức mà phải đi kèm nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với những phát ngôn do mình đưa ra, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, tổ chức, cá nhân khác, kể cả trong đời sống thực tế hay trên không gian mạng. Nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, mỗi công dân càng cần phải ý thức, trách nhiệm hơn nữa đối với phát ngôn của mình, cũng như với việc chia sẻ các thông tin liên quan tình hình dịch bệnh để tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều người sử dụng mạng xã hội để đăng tải các thông tin kích động, có tính phân biệt vùng miền, gây mất đoàn kết, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Có thể kể đến một số vụ việc điển hình như vụ bà Vũ Hoài Phương (nghệ danh Trác Thúy Miêu) đăng tải trên mạng xã hội Facebook bài viết có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh hay việc bà Nguyễn Thị Hằng chủ tài khoản Facebook “Hằng Nguyễn” đăng tải trên Facebook cá nhân nội dung có tính phân biệt vùng miền, gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân về tình hình tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh… và nhiều đối tượng khác với hành vi tương tự đã bị cơ quan chức năng xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các cá nhân này cũng đã nhận thức được hành vi sai trái của bản thân, dù vậy, vẫn có những tiếng nói lạc lõng, cố tình cổ súy, tung hô, ủng hộ cho các hành vi vi phạm pháp luật đó, điển hình là đối tượng Trương Nhân Tuấn – kẻ vong nô phản quốc đang ở hải ngoại. Trong một bài viết mới đây, đối tượng này cho rằng “Cả hai ý kiến, cô Trác và bà Hằng, theo tôi không hề vi phạm luật lệ ở bất cứ điều gì”. Từ đó, y móc nối xuyên tạc lịch sử đất nước, kích động chia rẽ vùng miền, tung ra thông tin sai lệch lịch sử, xuyên tạc một cách trắng trợn công tác phòng, chống dịch của đất nước, đổ lỗi cho Đảng, chế độ là nguyên nhân gây ra dịch bệnh… Thật là luận điệu tởm lợm của kẻ phản quốc!

Cần khẳng định lại một lần nữa, tự do ngôn luận không có nghĩa là được tự do xuyên tạc, chống phá bất chấp luân thường, đạo lý và luật pháp. Những kẻ bảo vệ, tiếp tay, cổ suý cho những hoạt động sai trái cũng cần phải bị nghiêm trị. Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng thế, muốn bảo đảm an ninh trật tự để phát triển đất nước thì chắc chắn phải có chế tài để xử lý những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật. Một khi đạo đức không còn đủ khả năng điều chỉnh hành vi của các cá nhân trên mạng xã hội cho đúng chuẩn mực, thì lúc ấy những quy chế, đạo luật sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nghiêm khắc nhất. Luật An ninh mạng, Nghị định 15 và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chính là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý những kẻ chuyên lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc, kích động, chống phá chế độ, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, nhất là gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch. Hơn lúc nào hết, ngay lúc này, mỗi người chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo, tham gia mạng xã hội bằng một cái đầu lạnh, để tránh tiếp tay, chia sẻ những quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc. Tất cả vì một Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch Covid-19!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.