CẦN NGHIÊM TRỊ HÀNH VI LỢI DỤNG, NÚP BÓNG “DÂN CHỦ”, “NHÂN QUYỀN”, “TÔN GIÁO” ĐỂ XUYÊN TẠC, KÍCH ĐỘNG, CHỐNG PHÁ

Mới đây, linh mục Đinh Hữu Thoại đăng tải trên trang facebook cá nhân dòng trạng thái: “Không thể gọi là “đốt lò”, “chống tham nhũng” nếu không chịu thay đổi thể chế” sau khi dẫn về một status khác của tài khoản Thach Vu rằng: “Hai sự thật không thể phủ nhận: – CB tham nhũng từ phường xã cả nước đến uvBCT là sản phẩm trực tiếp của CƠ CHẾ hiện nay.

– Người “đốt lò vĩ đại” cũng là người nhất định duy trì CƠ CHẾ đó!”. 

Sự thật có phải như linh mục Đinh Hữu Thoại và chủ tài khoản facebook Thach Vu kia nhận định hay không? Câu trả lời đương nhiên là hoàn toàn không!

Thứ nhất, theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2021 được công bố hồi cuối tháng 01 năm 2022, hơn 2/3 trong số 180 quốc gia được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100 về tham nhũng. Nghiên cứu của TI chỉ ra, trong gần một thập kỷ qua, hầu hết quốc gia đạt được rất ít hoặc không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tham nhũng. Tương tự nhiều năm trước, số đông quốc gia đạt điểm dưới 50 và điểm CPI trung bình của toàn cầu chỉ là 43. Các con số và phân tích dữ liệu cho thấy, mặc dù có một số tiến bộ, nhưng hầu hết quốc gia vẫn không giải quyết được tham nhũng một cách hiệu quả. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra với nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”, do giai cấp tư sản lãnh đạo, thậm chí ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, tình trạng tham nhũng còn xảy ra ở cấp nguyên thủ. Cũng theo đánh giá của tổ chức này, một số nước theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền như: Colombia, Brazil, Malaysia… thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng”. Như vậy, tham nhũng, suy thoái là hiện tượng mang tính xã hội, là vấn nạn chung của tất cả các quốc gia, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào. Chính vì vậy, chẳng phải đa nguyên, đa đảng thì không tham nhũng mà độc đảng thì tham nhũng nhiều hơn như luận điệu xảo trá của bọn phản động đang rêu rao. Điều đó lý giải vì sao Liên hợp quốc có hẳn Công ước về chống tham nhũng và lấy ngày 09/12 hằng năm làm Ngày Quốc tế chống tham nhũng (International Anti-Corruption Day – IACD).

Thứ hai, Đảng và Nhà nước ta luôn coi tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất là “giặc nội xâm”, một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta có quyết tâm chính trị rất cao trong phòng, chống tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ và được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, trên nhiều phương diện khác nhau. Trong những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã và đang đạt nhiều kết quả quan trọng, giúp gia tăng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý, những năm đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử công khai, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, sự thượng tôn pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Theo thống kê, năm 2021, đã kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020); xử lý kỷ luật 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (tăng hơn 3 lần so với năm 2020); khởi tố, điều tra 390 vụ án với 1.022 cán bộ về các tội tham nhũng, chức vụ; thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản hơn 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị; thu hồi từ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo năm 2021 hơn 9.000 tỷ đồng (tăng hơn 7.100 tỷ đồng so với năm 2020)…

Có thể thấy, đây không phải là lần đầu tiên linh mục Đinh Hữu Thoại đăng tải thông tin công kích chống phá Đảng, Nhà nước, bộc lộ quan điểm chính trị “đa nguyên đa đảng”, kêu gọi lật đổ thể chế chính trị tại Việt Nam. Trước đó, rất nhiều lần, linh mục này đăng tải hình ảnh sai sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thách thức pháp luật, nhất là trong thời điểm cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19. Cùng với các linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong (Hà Nội), Nguyễn Đình Thục (Nghệ An), Nguyễn Duy Tân (Đồng Nai)… linh mục Đinh Hữu Thoại đã làm trái lời răn dạy của Chúa, bôi đen, làm méo mó hình ảnh của người Công giáo “đồng hành cùng dân tộc”… Những hành vi lợi dụng, núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” để xuyên tạc, kích động, chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của linh mục Đinh Hữu Thoại cần phải bị nghiêm trị!

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.