CẦN TỈNH TÁO NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH QUYẾT LIỆT VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA NHỮNG KẺ CÓ DÃ TÂM CHIA CẮT MÁU THỊT CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM!

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, có 53 dân tộc thiểu số với trên 14 triệu người (chiếm gần 15% tổng dân số), cư trú đan xen nhau, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Xuyên suốt lịch sử, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã đoàn kết cùng nhau xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ. Điều này được quy định rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982 và đến nay đã 5 lần bảo vệ thành công báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD. Thực tế qua gần 40 năm đổi mới càng chứng minh ở Việt Nam quyền của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Hiện nay, theo thống kê, ngoài Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành 97 luật, bộ luật có liên quan đến công tác dân tộc. Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc. Đáng chú ý, cùng với việc tiếp tục thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Việt Nam đã ban hành, tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, với 10 dự án thành phần. Đây là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dân tộc.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm quyền đời tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến tháng 12/2023, nước ta có khoảng 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo tôn giáo ở các khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ và duyên hải miền trung đều được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định, là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đời sống văn hóa, tinh thần, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có nhu cầu về đời sống tâm linh, tôn giáo; trừ dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông, dân tộc Chăm theo Bà La môn và Hồi giáo, còn hầu hết các dân tộc thiểu số theo tín ngưỡng đa thần, thờ cúng tổ tiên và thần linh theo phong tục tập quán truyền thống.

Thực tế là thế song trong suốt những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng tung ra các luận điệu phủ nhận sạch trơn những thành quả về dân tộc, dân chủ ở Việt Nam, lồng ghép vào trong các vấn đề nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hòng chia cắt máu thịt dân tộc Việt Nam! Chúng tung ra luận điệu xằng bậy, rằng “Các tiêu chuẩn “công bằng, công lý, bình đẳng” vẫn còn là điều gì “rất xa vời” với mong muốn của các Dân tộc thiểu sốĐồng bào dân tộc sống ở vùng xa và trên vùng cao chưa hề được biết đến “dân chủ, tự do” là gì”. Nhằm tô vẽ thêm, chúng đề cập đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta rằng: “Đảng kiểm soát để bảo đảm nhân sự của các Tôn giáo phải trong tầm tay kiểm soát của Chính phủ. Đồng bào dân tộc ở vùng cao, vùng xa thường bị ngăn cấm tự do thờ phượng hay xây dựng nơi thờ phượng. Trong khi các nhà truyền giáo, đặc biệt các Linh mục Công giáo không được đi truyền và giảng đạo ở những nơi có đồng bào thiểu số cư ngụ…” Đây là luận điệu xuyên tạc, vu khống, bịa đặt một cách trắng trợn của những kẻ có dã tâm chia cắt máu thịt của dân tộc Việt Nam, chúng ta cần hết sức tỉnh táo nhận diện và đấu tranh không khoan nhượng với chúng!

(H.X)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *