CẢNH GIÁC CHIÊU TRÒ BÔI ĐEN CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM!
Lâu nay, cứ mỗi lần có sự kiện ngoại giao quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là khi lãnh đạo cấp cao hai nước thăm và làm việc với nhau thì các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại tán phát lên không gian mạng nhiều thông tin xuyên tạc, suy diễn nhằm gây nhiễu loạn dư luận và làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Chẳng hạn, gần đây chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 15/4/2025 là một sự kiện chính trị, đối ngoại đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và triển khai “Năm Giao lưu Nhân văn Việt Nam – Trung Quốc 2025”. Chuyến thăm không chỉ thể hiện thiện chí chính trị của cả hai bên mà còn mở ra nhiều triển vọng hợp tác thiết thực, góp phần định hình tương lai quan hệ song phương theo hướng ổn định, lành mạnh và bền vững. Tuy nhiên, như một quy luật, các thế lực phản động trong và ngoài nước lại tranh thủ cơ hội này để tung ra hàng loạt luận điệu sai trái, thậm chí vu cáo trắng trợn chính sách ngoại giao của nước ta. Điển hình là những phát ngôn từ các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đối với Việt Nam như Việt Tân, Đài Á Châu tự do (RFA)… Chúng cho rằng Việt Nam “phụ thuộc Trung Quốc”, rằng chuyến thăm là “biểu hiện thần phục”, thậm chí là “âm mưu chống Mỹ”. Những lập luận này không chỉ phi lý mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết căn bản về đối ngoại hiện đại và vị thế hiện nay của Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; không liên minh quân sự, không chọn phe và không cho phép bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào công việc nội bộ. Việt Nam chủ trương hợp tác với tất cả các nước, trong đó có cả Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước thuộc liên minh châu Âu (EU), các tổ chức quốc tế đa phương… trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung. Việc duy trì quan hệ ổn định với các nước lớn là chiến lược dài hạn để đảm bảo môi trường hòa bình cho phát triển đất nước, chứ không phải là sự “nghiêng ngả” hay “lệ thuộc” như các luận điệu chống phá cố tình gán ghép.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị toàn cầu ngày càng gay gắt, việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc không có nghĩa là quay lưng với các đối tác khác. Trái lại, chỉ vài tuần trước chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam đã đàm phán thành công với Hoa Kỳ về việc gia hạn thuế quan đối với một số mặt hàng, hành động này thể hiện sự chủ động, bản lĩnh và linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Cần biết rằng, những phát ngôn cho rằng Việt Nam đang “lệ thuộc” vào Trung Quốc thông qua cán cân thương mại là một sự đánh tráo khái niệm. Cán cân thương mại không thể hiện quan hệ phụ thuộc về chính trị, mà là hệ quả tự nhiên của cấu trúc kinh tế hai nước, việc này đều xảy ra với hầu hết các nước có quan hệ thương mại lớn. Nếu lấy cán cân thương mại làm thước đo “lệ thuộc”, thì liệu Hoa Kỳ có đang “lệ thuộc” Việt Nam khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ vượt 123 tỷ USD?
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cần được nhìn nhận trong tổng thể chiến lược ngoại giao khu vực của Trung Quốc. Việt Nam đón tiếp chuyến thăm này trong tư thế chủ động, sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi. Quan hệ Việt – Trung hiện nay không chỉ là quan hệ láng giềng mà còn là một phần trong chiến lược hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Hợp tác kinh tế, kết nối hạ tầng, giao lưu nhân dân… đều đang được triển khai theo hướng thực chất và hiệu quả. Thay vì đưa ra những phân tích khách quan, có cơ sở khoa học, các thế lực xấu lại cố tình khai thác, đưa ra các nhận định đầy tính suy diễn, tiêu cực, dựng chuyện như “khống chế lãnh đạo”, “xin bảo hộ”… nhằm mục đích kích động, chia rẽ và phá hoại.
Thực tế đã chứng minh rằng, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế thông qua chính sách ngoại giao linh hoạt và khôn khéo. Trong chiến lược phát triển đất nước, Việt Nam luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, đồng thời duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
BBT