Cảnh giác với khẩu hiệu phòng, chống tham nhũng kiểu “dân chủ giả cầy” của các thế lực thù địch, phản động
Lợi dụng những bức xúc trong dư luận xã hội về tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay, một số kẻ đã đưa ra nhiều luận điệu xảo trá để công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, với những khẩu hiệu mỹ miều như: “Cộng sản không thể phòng chống tham nhũng thành công”; phải thực hiện “xã hội dân sự”, “tam quyền phân lập” để phản biện xã hội và kiểm soát quyền lực… Thực chất, đó chỉ là những thứ hòng lòe bịp người dân và che đậy bản chất phản động của chúng mà thôi.
Trước hết, cần khẳng định rằng: Tham nhũng, tiêu cực là một hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở các quốc gia. Nguyên nhân là do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra. Tham nhũng, tiêu cực không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, dù là chế độ đa đảng hay một đảng. Vì thế, chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, biến chất của những người thực thi quyền lực nhà nước. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra với nhiều quốc gia trên thế giới. Cũng theo đánh giá của Tổ chức này, một số nước theo thể chế đa đảng, không do đảng cộng sản cầm quyền như: Côlômbia, Braxin, Malaixia… thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng”. Rõ ràng, luận điệu “còn cộng sản là còn tham nhũng” là hết sức sai lầm, phản khoa học, ngụy biện và quy chụp.
Bàn về “tam quyền phân lập”, thực tế lịch sử cho thấy, tổ chức và cơ chế vận hành của xã hội luôn phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội. Các xã hội trước chủ nghĩa tư bản chưa có tam quyền phân lập, càng không có cái gọi là “xã hội dân sự” như các anh chị dân chủ đang kêu gào. Hiện nay, nhận thức chung đều xem “tam quyền phân lập” như là yếu tố đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Tuy mỗi nước tư bản có cách thức tổ chức và vận hành nhà nước khác nhau, nhưng điểm chung là: Các đảng chính trị ra đời, vận động người dân ủng hộ và bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng mình trong các cuộc bầu cử. Đảng nào giành được nhiều phiếu nhất trong quốc hội được quyền thành lập chính phủ, khi đó, lãnh đạo của đảng trở thành tổng thống, thủ tướng và đảng trở thành đảng cầm quyền. Khi đảng cầm quyền chiếm đa số trong quốc hội, tổng thống, thủ tướng và nhiều thành viên của chính phủ đều là người của đảng cầm quyền, việc bổ nhiệm thẩm phán của tòa án tối cao cũng do quốc hội hoặc tổng thống quyết định… Và như vậy, sự kiểm soát quyền lực giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp đã không còn là sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau, bởi nó chỉ còn chịu sự chi phối của đảng cầm quyền. Rõ ràng, những kẻ đang tuyệt đối hóa nguyên tắc “tam quyền phân lập”, đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, xem đây là hình mẫu, là cách mà theo họ, có thể giúp Việt Nam đẩy lùi tham nhũng… Xem ra, chính họ đã lạc hậu so với sự vận động, phát triển của xã hội hiện nay.
Ngày nay, nền chính trị hiện đại của các nước phát triển đều phải thừa nhận quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, ở các nước tư bản, khi mà bộ máy nhà nước bị thao túng bởi các tập đoàn tư nhân, quyền lực nhà nước dễ dàng bị tha hóa, trở thành công cụ bảo vệ lợi ích cho giới tài phiệt và các ông trùm tư bản. Vì thế, việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự ở các nước tư bản này là tất yếu và thông thường các tổ chức đó luôn có xu hướng đối lập với Nhà nước. Lợi dụng vấn đề đó, các anh chị trong làng dân chủ đang lớn tiếng đòi thúc đẩy “xã hội dân sự” ở Việt Nam, cho rằng chỉ có thông qua các tổ chức xã hội dân sự mới có thể kiểm soát được quyền lực nhà nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội… Có thể khẳng định rằng, ở đâu đó, nơi mà quyền lực nhà nước, quyền lực vốn dĩ thuộc về nhân dân, lại bị tước đoạt khỏi chính người dân, và bị thâu tóm bởi các thế lực tài phiệt, các ông trùm tư bản, thì ở đó, các tổ chức xã hội dân sự còn hữu dụng. Còn ở đây, Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi đường lối, chủ trương của nhà nước đều dựa trên cơ sở sự đồng thuận cao trong xã hội; người dân và mọi tổ chức của mình thực thi quyền làm chủ đất nước thông qua các cơ quan quyền lực nhà nước do chính nhân dân cử ra. Sẽ là sai lầm và phiến diện khi cổ xúy cho việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự đối lập với Nhà nước. Và càng phi lý hơn khi cố tình đối lập giữa các tổ chức xã hội do nhân dân lập ra với chính quyền Nhà nước cũng do nhân dân lập ra./.
(NHANVANVIET)