CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU KÍCH ĐỘNG LÒNG DÂN VỀ CHỦ TRƯƠNG SÁP NHẬP TỈNH, XÃ

Việc bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã là một phương án trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đây không chỉ đơn thuần để giảm cán bộ, bớt cấp trung gian… mà quan trọng hơn là mở ra không gian lớn hơn, nguồn lực nhiều hơn, mạnh hơn, tạo thế và lực mới để các địa phương phát triển, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Việc này, hiện nay Trung ương đang triển khai xây dựng đề án, chưa chính thức quyết định tỉnh nào nhập với tỉnh nào. Tuy nhiên những ngày qua, mạng xã hội lại dậy sóng về việc tỉnh này sáp nhập với tỉnh kia, trung tâm hành chính tỉnh đặt ở đâu, với những luận điệu mang tính suy diễn, kích động như: tỉnh này không còn trên bản đồ Việt Nam, tỉnh này thuộc tỉnh kia, so sánh giàu nghèo, dân này dân nọ, tỉnh này tỉnh kia… lôi kéo dư luận, tạo thành những nhóm đối lập đả kích, lên án lẫn nhau, gây phân tâm, rối loạn, chia rẽ lòng dân.

Đây là những âm mưu hết sức thâm độc của các thế lực thù địch. Chúng lợi dụng cơ hội này, khơi dựng lên những vấn đề mang tính cục bộ địa phương, sự khác biệt vùng miền, sắc tộc để đánh vào tâm lý người dân, tạo nên sự xáo trộn trong xã hội, nhằm phá hỏng cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, sâu xa hơn nữa là âm mưu chống phá chế độ, chống phá sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta, ngăn trở sự phát triển của đất nước, sự tiến lên của dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, người dân, nhất là những người dùng mạng xã hội hãy thận trọng, nâng cao cảnh giác, đừng tin theo, đừng bị cuốn theo những luồng thông tin này, mà phải cùng nhau tẩy chay, phản bác lại các thông tin mang tính kích động này.

Bác Hồ đã từng khẳng định: “Dân tộc Việt Nam là một, Đất nước Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”; “Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay, trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng cả thảy đều là dòng dõi tổ tiên ta”. Người dân Việt Nam dù ở bất cứ địa phương hay nơi nào, bất cứ là sắc tộc nào đều là con Lạc, cháu Hồng, đều là người một nhà. Không thể vì sự ích kỷ, hẹp hòi của bản thân mà có những suy nghĩ, lời nói mang tính cục bộ phân biệt dân tỉnh này với tỉnh kia, so sánh tỉnh này hơn tỉnh nọ, hay kỳ thị người này với người kia… mà tất cả người dân Việt Nam đều một nhà, không phân biệt, đối xử, cùng nhau đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau – đó là bản sắc ngàn đời của người Việt Nam. Chính bản sắc này đã làm nên một dân tộc Việt Nam anh hùng, vang dội cả năm châu, bốn bể, được nhân loại ngợi ca và khâm phục.

 Như chúng ta biết, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị các cấp được Đảng, Nhà nước ta coi đây là một cuộc cách mạng. Mà cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi có sự chung sức đồng lòng của toàn dân mới thắng lợi. Cuộc cách mạng nào cũng có sự hy sinh. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nhân dân ta phải hy sinh cả xương máu. Ngày nay, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng đòi hỏi phải có sự hy sinh, nhưng đó chỉ là hy sinh một ít lợi ích nhất thời của bản thân, lợi ích của tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị. Sự hy sinh này nó cũng chỉ có tính tạm thời, vì lợi ích sau này lại lớn hơn nhiều.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị các cấp để làm cho bộ máy tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời giảm bớt nguồn chi ngân sách cho hoạt động của bộ máy để tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình của đất nước và thực tiễn chung của thế giới. Muốn đất nước phát triển thì phải đổi mới, cải cách trong chủ trương, đường lối và ngay trong nội bộ của hệ thống chính trị. Làm tốt việc này thì đất nước mới nhẹ cánh để bay cao và bay xa; đất nước mới đủ sức mạnh để bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

HT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *