CHỈ CÓ KẺ BẤT NHÂN, VÔ TRI MỚI XUYÊN TẠC CHÍNH SÁCH DÀNH CHO NGƯỜI CÓ CÔNG!

Cứ mỗi dịp tháng 7 về, trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng – những người đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân thì vẫn có những kẻ bất nhân, vô tri đã cố tình phủ nhận mọi sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công; đánh đồng người hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc với những kẻ tay sai của thực dân đế quốc, phản bội Tổ quốc, đồng bào. Không những thế, chúng còn trắng trợn xuyên tạc các chính sách dành cho người có công, cố ý lập lờ, đánh tráo giá trị nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi về chính sách an sinh xã hội, ưu đãi đối với người có công, hòng kích động chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Những thủ đoạn trên đã thể hiện sự tột cùng của bản chất bất nhân, vô ơn, bạc nghĩa của các đối tượng chống phá, là tội ác cần phải bị vạch trần và lên án!

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ ở khắp 63 tỉnh, thành. Trong suốt thế kỷ XX, trên khắp đất nước đã có tổng cộng 1.146.250 liệt sĩ, trong đó 191.605 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, và 105.627 người nằm xuống trong các chiến dịch khác bảo vệ Tổ quốc… Thử hỏi, biết bao nhiêu mới đủ bù đắp cho những mất mát, đau thương này?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sỹ. Người khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…”. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu nước nhà mới giành được độc lập, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được Hiến định và được chế định thành các văn bản quy phạm pháp luật cùng nhiều chính sách ưu đãi khác dành cho người có công và thân nhân.

Hơn 75 năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ… thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) hàng năm đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước – những người đã không tiếc sinh mạng, máu xương, thanh xuân hy sinh bản thân, hy sinh gia đình vì lý tưởng cách mạng cao đẹp là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc, bình yên cho nhân dân. Từ đó, có những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp gia đình, thân nhân vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Những tiếng nói lạc lõng của những kẻ bất nhân, vô tri không thể xuyên tạc được chính sách đối với người có công hợp lý, hợp tình, hợp pháp và hợp lòng dân của chúng ta!

Hòa Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.