CHỈ CÓ NHỮNG KẺ CHỐNG PHÁ MỚI ĐÁNH ĐỒNG HỢP TÁC QUỐC TẾ VỚI LỆ THUỘC!

Mới đây, trang mạng Chân Trời Mới Media đã đăng tải bài viết với luận điệu xuyên tạc rằng: “Lãnh đạo Trung Quốc sang thăm Việt Nam càng nhiều thì số văn kiện hợp tác được ký kết càng lớn, đồng nghĩa với việc Việt Nam càng lệ thuộc vào Trung Quốc.” Đây là một lập luận phi lý, thể hiện tư duy ngụy biện và định kiến sâu sắc đối với đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Trước hết, việc lãnh đạo các quốc gia thăm viếng lẫn nhau, ký kết các văn kiện hợp tác là hoạt động hoàn toàn bình thường trong quan hệ quốc tế. Đây là cách các nước thúc đẩy quan hệ song phương, mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại đến giáo dục, khoa học kỹ thuật… Chẳng có gì bất thường khi Việt Nam và Trung Quốc ký kết 40 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 15/4/2025 vừa qua.

Thứ hai, việc ký văn kiện không phải là “bằng chứng” của sự lệ thuộc. Nếu vậy, thì khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và ký hàng loạt thỏa thuận trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2023, liệu có thể nói Hoa Kỳ “lệ thuộc Việt Nam”? Hay chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 8/2024, nơi Việt Nam là bên ký tới 14 văn kiện có nghĩa Trung Quốc “lệ thuộc Việt Nam”? Rõ ràng, suy diễn theo kiểu đó là phản khoa học và đầy định kiến.

Hợp tác không có nghĩa là đánh đổi chủ quyền. Điều quan trọng không nằm ở số lượng văn kiện, mà ở nội dung, nguyên tắc và cách thực thi các thỏa thuận đó. Trong mọi văn kiện ký kết với các nước, Việt Nam đều kiên định lập trường giữ vững độc lập, tự chủ, không để bị ràng buộc bởi bất kỳ điều kiện chính trị hay định hướng chiến lược từ bên ngoài. Chẳng hạn, trong Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, dù Việt Nam cân nhắc nguồn vốn Trung Quốc, nhưng đặt rõ yêu cầu chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và không chấp nhận công nghệ lạc hậu hay điều kiện bất lợi. Ngay cả thuật ngữ “cộng đồng chung vận mệnh” mà Trung Quốc thường dùng, từng bị gạt khỏi Tuyên bố chung giữa hai nước vào tháng 12/2023, cũng cho thấy Việt Nam luôn tỉnh táo và bản lĩnh trong từng ngôn ngữ ngoại giao.

Luận điệu cho rằng “ký là lệ thuộc” không chỉ phản thực tế mà còn cổ súy cho tư duy bài ngoại cực đoan. Tư duy “thoát Trung” dựa trên thành kiến cảm tính, không phải là giải pháp cho một quốc gia nằm sát bên cường quốc thế giới như Việt Nam. Không quốc gia nào tự cô lập mình để bảo vệ độc lập. Trái lại, hội nhập là cách để gia tăng nội lực, tạo thế và lực trên bàn cờ quốc tế. Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cả với Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, đồng thời duy trì mối quan hệ sâu sắc với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU và nhiều quốc gia Nam bán cầu. Đó là minh chứng cho một chiến lược đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa hiệu quả, độc lập và khôn ngoan.

Cuối cùng, bản chất thật sự của những luận điệu sai trái từ Chân Trời Mới Media chỉ là sự lợi dụng tâm lý lo ngại, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân về hoạt động ngoại giao để bóp méo sự thật, gieo rắc hoài nghi, gây chia rẽ trong xã hội. Mục tiêu sâu xa là làm suy giảm niềm tin vào chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam, từ đó phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và làm suy yếu vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Những luận điệu tham độc và có chủ đích như vậy cần phải được nhận diện, phản bác kịp thời để không làm lệch lạc nhận thức và gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *