Chữa “bệnh” xu nịnh là việc làm cấp thiết hiện nay

Xu nịnh là hành vi khen không đúng hoặc khen quá lời để làm đẹp lòng nhau, nhằm mục đích cầu lợi cho cá nhân. Căn bệnh xu nịnh đã có từ xa xưa và trở thành căn bệnh trầm kha, gây những hậu quả khôn lường cho xã hội.

Xu nịnh là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuy xu nịnh không phải một hành vi vi phạm pháp luật, không có chế tài xử lý theo pháp luật, nhưng xu nịnh chính là tiền đề của tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật khác như hối lộ, tham nhũng… Và thực tế, nhiều vụ án lớn được phát hiện, xử lý liên quan đến tham nhũng, chạy chức chạy quyền trong những năm gần đây cũng có phần nguyên nhân xuất phát từ thói xu nịnh.

Căn bệnh xu nịnh ngày qua ngày lại biến hóa khôn lường với muôn hình vạn trạng, không chỉ cấp dưới nịnh cấp trên, mà bây giờ cấp trên cũng nịnh cấp dưới và người cùng cấp cũng nịnh nhau, nhất là vào các dịp bỏ phiếu tín nhiệm, đánh giá cán bộ, chuẩn bị đại hội, bầu nhân sự ở các cấp, các ngành…

Ở một đơn vị, nếu có những kẻ nịnh bợ và thủ trưởng ưa nịnh lại chuyên quyền thì công tác phê bình và tự phê bình sẽ kém hiệu quả, dẫn tới nhiều hệ lụy như: Nội bộ không đoàn kết, cục bộ, lợi ích nhóm,… từ đó năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng giảm sút, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp. Những cán bộ, đảng viên chân chính, đạo đức tốt, có năng lực sẽ sinh ra chán nản, giảm ý chí phấn đấu.

Thực tế thì người có đức, có tài thì không xu nịnh. Người có bản lĩnh và tự trọng cũng không thích nghe nịnh. Do đó, giải pháp quan trọng nhất để đẩy lùi thói xu nịnh chính là rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh, lòng tự trọng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực giỏi. Vì khi đó, người cán bộ, đảng viên sẽ không xu nịnh cũng như không bị “mê hoặc” trước những lời nịnh nọt. Và triển khai thực hiện chống xu nịnh phải từ người đứng đầu. Một người đứng đầu thực sự liêm chính, công minh thì cấp dưới nhất định sẽ không dám giở trò xu nịnh. Người lãnh đạo đức độ và tài năng, biết phát huy sức mạnh tập thể, coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan thì cấp dưới sẽ tự ắt phải giữ gìn sự tự trọng, chấp hành kỷ luật, kỷ cương và phấn đấu trong công việc.

Trong mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị phải luôn luôn thực hiện nghiêm phê bình và tự phê bình, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, tạo môi trường làm việc lành mạnh, bình đẳng, công bằng để cán bộ, đảng viên cùng nhau nỗ lực rèn luyện, phấn đấu. Phải có chính sách tuyên dương, khen thưởng, bổ nhiệm phù hợp với những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm vì lợi ích chung, vì công việc. Không cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ thiếu đạo đức, yếu năng lực, thích xu nịnh và ưa được nịnh.

Phải xác định rằng, đẩy lùi thói xu nịnh không phải là việc làm một sớm một chiều, sẽ có nhiều khó khăn, do đó mỗi tập thể, cá nhân phải luôn kiên định, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với biểu hiện tiêu cực này.

Chi Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.