Chung tay ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội

Trong thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ thảm án gây rúng động dư luận mà hệ quả do nó gây ra là không hề nhỏ. Mạng sống của con người bị tước đoạt một cách nhanh chóng với nhiều lý do đơn giản, nhiều gia đình rơi vào tột cùng của sự mất mát, tang thương, người dân bàng hoàng vì những cái chết chóng vánh. Nỗi đau không chỉ đến với những người liên quan trực tiếp đến vụ việc mà nó còn là nỗi đau chung của toàn xã hội khi những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ trước đến nay luôn được coi trọng: Đạo đức gia đình, đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử giữa những con người trong xã hội với nhau – đang có những vết rạn đáng báo động, cuộc sống hiện đại đang dần biến những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ nhoi, sự ăn thua với nhau trong một câu chuyện cũng dễ trở thành nguy cơ dẫn đến một vụ án mạng. Các vụ án đều kết thúc bằng việc kẻ gây ra vụ việc phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, gia đình của hung thủ phải chịu những điều tiếng, chỉ trích của mọi người, song đối với dư luận xã hội thì nó không hề kết thúc.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngày 01/9/2019 xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng khiến 4 người trong một gia đình tử vong ở Đan Phượng (Hà Nội) mà hung thủ là Nguyễn Văn Đông (SN: 1966) anh ruột của gia đình nạn nhân, nguyên nhân chính là do mâu thuẫn trong chuyện đất đai. Nỗi ám ảnh hơn nữa là khi trên các trang mạng xã hội lan truyền clip việc đối tượng thuật lại một cách rành rọt và chi tiết về việc mình ra tay thảm sát cả gia đình em trai ruột, trên mặt đối tượng này không hề có biểu hiện hối lỗi hay sợ hãi khi nhắc lại những hành động đẫm máu của mình, thậm chí còn có lúc cười, bằng thái độ như kẻ đang khoe chiến tích của bản thân một cách đầy tự hào khiến người nghe phải rùng mình, lạnh sống lưng. Hay vụ án mạng ngày 14/9/2019 tại tỉnh Thái Nguyên: Đối tượng Bùi Xuân Hồng (SN: 1958) đã mang theo dao, súng cùng một chai xăng đến nhà em gái là Bùi Thị Hà (SN: 1961) để đòi nợ số tiền hơn 3 tỷ đồng đã cho vay từ trước. Trong lúc nói chuyện nhưng không đạt được kết quả như mong muốn và hai bên xảy ra cãi vã đến đỉnh điểm, Hồng đã dùng dao đâm khiến em gái tử vong, chồng và con rể em gái đều bị thương nặng phải đi cấp cứu.

Trên đây chỉ là 02 trong số rất nhiều vụ án xảy ra trong thời gian gần đây gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội, một vụ việc có nhiều cách để giải quyết nhưng các đối tượng đã lựa chọn cách “tồi tệ” nhất, với hậu quả gây ra là nặng nề nhất để giải quyết vụ việc. Hành động mù quáng của các đối tượng là do  không giữ vững được lý trí, sự tỉnh táo của bản thân, cái “ác” đã thắng cái “thiện” trong con người của mỗi đối tượng, khi sự việc đã rồi thì ân hận cũng muộn màng. Các đối tượng sẽ trở thành những “tấm gương” cho những đối tượng khác trong xã hội cũng có tư tưởng học theo những người “đàn anh” của mình để giải quyết mâu thuẫn. Còn nhớ trước đây khi đối tượng Lê Văn Luyện gây ra vụ thảm sát ở tiệm vàng Ngọc Bích ngày 24/8/ 2011 gây nên cái chết của vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con 18 tháng tuổi, con gái lớn của họ 8 tuổi bị chém đứt tay thì đến ngày 18/11/2011 lực lượng Công an huyện Điện Bàn – Quảng Nam đã bắt và ngăn chặn hoạt động của nhóm thiếu niên từ 14 -16 tuổi tự xưng là nhóm “Sống về đêm” và là “đàn em của Lê Văn Luyện”.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tháng 6/2019, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết tình hình các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người. Năm 2018 cả nước xảy ra 1.074 vụ giết người. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra 447 vụ giết người, đáng lưu ý là nhiều vụ giết người có hành vi gây án dã man, tàn bạo mà trong số đó có từ 15 – 17% số vụ giết người do người thân quen trong gia đình sát hại lẫn nhau là một biểu hiện rất đáng lo ngại. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, tội ác đang tấn công trực diện làm suy giảm nền tảng đạo đức xã hội.  Không chỉ là sự du nhập của lối sống từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến nhận thức, đạo đức của một bộ phận người dân mà ngay cả những nguyên nhân nội sinh trong văn hóa, đạo đức của mỗi người cũng có sự chuyển biến theo hướng tiêu cực, nhất là khi thước đo giá trị đồng tiền, lợi ích bản thân đang được đặt lên chung một bàn cân để tranh giành thiệt hơn; những hình ảnh bạo lực, phim xã hội đen, lối sống nặng nề về tranh giành lợi ích vật chất, lối sống sa đọa, thích hưởng thụ, những hiện tượng lệch chuẩn của các đối tượng không phù hợp với chuẩn mực, đạo đức xã hội như Phúc XO hay Khá Bảnh… phát tán tràn lan trên các trang mạng xã hội, sách báo, phim ảnh… đã tác động không tốt đến tâm lý của các đối tượng phạm tội cũng như các đối tượng đang có ý định phạm tội.

Việc phát tán cái ác dưới mọi hình thức dù là vô tình hay cố ý đều là mầm mống để cho cái ác hoành hành, phát triển. Để ngăn chặn cái ác xảy ra thì biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là cả cộng đồng cùng chung tay góp sức nhân rộng những nhân điển hình tiên tiến, những câu chuyện hay, gương người tốt việc tốt… sâu rộng trong toàn xã hội. Mỗi một thành viên trong gia đình cần phải quan tâm bảo vệ những nền tảng cốt lõi của văn hóa gia đình, cần phải giáo dục về sự yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau, biết kính trên nhường dưới, biết gắn quyền lợi của bản thân với lợi ích chung của cả cộng đồng và toàn xã hội. Nếu mỗi người thường xuyên được giáo dục về đạo đức, văn hóa, các quy tắc ứng xử văn minh trên cơ sở thượng tôn pháp luật thì tin chắc rằng đạo đức xã hội sẽ không thể nào bị xuống cấp như hiện nay và cái ác sẽ bị đẩy lùi.

Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.