Cộng đồng cần chung tay ngăn chặn, tẩy chay vấn nạn tin giả

Trước sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, các thông tin giả mạo, bịa đặt, chưa được kiểm chứng xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông, gây hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của công chúng, do đó việc nhận diện và ngăn chặn, tẩy chay hành vi đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật rất quan trọng và cấp thiết trong tình hình hiện nay.

1. Tin tức giả là gì ?

Tin tức giả (Fake news) là tin rác, tin giả mạo, bịa đặt hoặc tin lừa đảo, hình thành dạng tin tức bao gồm thông tin không qua kiểm chứng, thông tin xuyên tạc, sai sự thật một cách có chủ ý hoặc trò lừa bịp được lan truyền qua phương tiện truyền thông truyền thống (sách, báo, tờ rơi…) hoặc truyền thông đa phương tiện và phương tiện truyền thông xã hội.

Tin tức giả gồm có 02 loại: loại thứ nhất, thông tin hoàn toàn giả mạo, không chính xác; loại thứ hai, thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ lồng ghép quan điểm cá nhân, phóng đại một phần câu chuyện đó.

2. Ai phát tán tin tức giả?

Có thể tạm thời chia làm 03 nhóm đối tượng:

– Nhóm 1: Các cá nhân tham gia mạng truyền thông xã hội để học tập, nghiên cứu, giao lưu, kết nối với gia đình, bạn bè và giải trí đã tạo, đăng, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, qua đó, vô tình hình thành tin tức giả không chủ ý.

– Nhóm 2: Các cá nhân, nhóm người, tổ chức thực hiện việc sản xuất, phát tán tin tức giả phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, tài chính…

– Nhóm 3: Các cá nhân, nhóm người, tổ chức thực hiện các động cơ vụ lợi hoặc chính trị đen tối.

3. Mục đích của việc phát tán tin tức giả?

– Nhóm 1: Câu view, câu like thể hiện bản thân, muốn nổi tiếng, tạo ấn tượng với người khác hoặc thỏa mãn một nhu cầu nào đó.

– Nhóm 2: Tạo thông tin sai lệch, thất thiệt, không đúng sự thật để câu view, câu like, tạo ra các hiệu ứng tâm lý đám đông, dẫn dắt mọi người tin, nghe, làm theo để thực hiện mục đích trục lợi về kinh tế, tài chính.

– Nhóm 3: Tạo các thông tin giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống để lừa dối cộng đồng mạng hoặc hình thành “thuyết âm mưu”, gây ra tâm trạng hoang mang, lo lắng, mất niềm tin, mất phương hướng nhằm thực hiện mục đích chính trị ở một mức độ nào đó.

4. Những hệ lụy từ tin tức giả?

 – Tin tức giả tạo ra sự nhìn nhận, hiểu biết sai lệch về vấn đề hoặc sự kiện mà người tiếp nhận thông tin đang quan tâm dẫn đến việc chuyển tiếp thông tin sai, hành động sai.

– Gây tâm trạng hoài nghi, bất ổn, hoang mang, lo sợ buộc người hay nhóm người tiếp nhận thông tin hình thành các xu hướng tiêu cực trong xã hội mà con người ta phải lãng phí thời gian, công sức, tiền của cho những việc không đáng có, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

– Tạo nên hiệu ứng tâm lý đám đông chạy theo một cái gì đó mơ hồ, làm đảo lộn đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở một bộ phận cư dân cư hay một khu vực nào đó, thậm chí ở phạm vi quốc gia. Thực tế trong thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 đã có một số người tung tin tức giả nhằm trục lợi làm cho một bộ phận dân cư tháo chạy khỏi thành phố, hàng hóa ở các siêu thị, cửa hàng bị vét sạch mang về nhà tích trữ là một ví dụ cho thấy tác hại của tin tức giả.

– Các tin tức giả mạo sẽ dẫn tới phá hoại các giá trị tinh thần của xã hội, gây khủng hoảng niềm tin, mất phương hướng cho con người, kích động dân chúng bạo loạn… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cộng đồng cần chung tay ngăn chặn, loại bỏ tin tức giả?

Hiện nay, nước ta chưa thể kiểm soát hết những tin tức giả, thông tin xấu, độc. Do đó, để chặn đứng tin tức giả cần có sự đồng lòng, chung sức của mọi người và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

* Đối với từng cá nhân

– Cần nghiên cứu, nắm vững các kiến thức về luật pháp, đặc biệt là Luật An ninh mạng; nâng cao hiểu biết về văn hóa, chính trị – xã hội; giữ vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phát triển tư duy phản biện; có bản lĩnh trước những thông tin không chính thống trên mạng xã hội, thông tin chưa qua kiểm chứng để không bị nó tác động, lôi cuốn dẫn đến like (thích), share (chia sẻ).

– Hình thành các kỹ năng đánh giá, thẩm định, kiểm soát thông tin một cách chắc chắn. Khi đã xác định hoặc nghi ngờ thông tin là tin tức giả, tuyệt đối không chia sẻ tới những người khác trên công đồng mạng cũng như ở ngoài xã hội. Với những thông tin lừa đảo, thất thiệt, xấu độc cần kiên quyết vạch mặt, ngăn chặn, đấu tranh, phản bác; cảnh báo cho mọi người biết để đề phòng và báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý.

– Tích cực đưa, chia sẻ những thông tin tốt, thông tin chính thống; những tin, bài phản ánh về công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, truyền thống quê hương, đất nước… để lan toả các giá trị tốt đẹp, nhân văn trong toàn xã hội; nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực.

* Đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng có thẩm quyền

– Đẩy mạnh việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng mạng xã hội, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật của các tầng lớp nhân dân để không còn các hành động tạo, phát tán, lan truyền tin tức giả; có đủ khả năng nhận biết tin tức thật, giả; không like, share tin tức giả mạo, thông tin sai sự thật để nhằm các mục đích khác nhau.

– Xây dựng, củng cố lực lượng an ninh mạng; phát triển các nền tảng kỹ thuật cùng hệ thống luật pháp về thông tin và truyền thông tiên tiến, đủ mạnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong việc ngăn ngừa, kiểm soát, chặn đứng, đẩy lùi tin tức giả và dọn sạch tin rác trên không gian mạng.

– Xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phát tán, lan truyền tin tức giả, nhất là những kẻ tung tin thất thiệt, xuyên tạc, lừa đảo và thông tin xấu, độc gây dư luận xấu trong xã hội, xúc phạm đến nhân phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người hoặc gây thiệt hại về kinh tế, mất ổn định chính trị, an ninh, an toàn xã hội.

– Phát huy sức mạnh của của truyền thông chính thống bảo đảm cung cấp thông tin đúng, trúng, nhanh, chính xác, hấp dẫn, sắc sảo, kịp thời, có tính giáo dục, tính định hướng cao; cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch và lên tiếng kịp thời trước các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thì chắc rằng những thông tin giả mạo, bịa đặt sẽ không còn đất sống.

(BBT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.