Dạ tiểu nhân làm sao đo được lòng quân tử?

Hồ Chí Minh là người cộng sản chân chính, là nhà chính trị rất đề cao vấn đề đạo đức. Theo Người, đạo đức không chỉ là “gốc”, là nền tảng, là sức mạnh và nhân tố chủ chốt của người cách mạng, mà còn là thước đo lòng cao thượng của con người, là gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. 

Suốt cả cuộc đời mình, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho người cán bộ, đảng viên và là tấm gương đạo đức sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho độc lập, tự do của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh đẹp đẽ nhất của phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì dù nhỏ hay lớn, phẩm chất cao đẹp của người cách mạng trong Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng và được người người ngưỡng mộ, noi theo. Trong bài trả lời các nhà báo nước ngoài vào tháng 1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Khi nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp vào ngày 30/5/1946, Người khẳng định “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng – cũng vì mục đích đó… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”…

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Người dạy cán bộ, đảng viên “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang…”. Người yêu cầu đảng viên và cán bộ phải hiểu đúng điều cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là biết “Đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961 Người nhấn mạnh “Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Thực hiện chỉ dạy của Người, trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân, triệu triệu người con ưu tú của dân tộc, trong đó có rất nhiều đảng viên và luôn giữ vị trí tiên phong, đã không tiếc tuổi xuân, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh, để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Bước vào thời kỳ đổi mới, trước cám dỗ của lợi ích vật chất, không ít cán bộ, đảng viên đã không giữ vững được đạo đức cách mạng, suy thoái, sa ngã, biến chất. Sớm nhìn ra thực trạng này, Đảng ta ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kết quả trong những năm gần đây, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên có tiến bộ rõ rệt. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác. Thực tế, nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII đã có 87.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật; trong đó, 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 – 2020 đạt 32,04%. Với phương châm “không có vùng cấm”, thời gian qua, Đảng ta đã quyết liệt xử lý tệ nạn tham nhũng, giúp vun đắp niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó có việc thu hồi khối lượng lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị chiếm dụng. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, sự thượng tôn pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị.

Những kết quả tích cực nêu trên là không thể phủ nhận. Ấy vậy mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị – những kẻ chỉ biết phá hoại, vẫn rêu rao, vu khống không biết ngượng rằng: “Người Cộng sản không bao giờ có được đạo đức chính trị đúng nghĩa…”, rằng công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta là “cuộc đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực”… Thiết nghĩ, việc của địch thì địch xuyên tạc, rêu rao, cũng như “chó sủa trăng”. Dạ tiểu nhân làm sao đo được lòng quân tử?

 M.A

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.