DÂN CHỦ LÀ BẢN CHẤT CỦA CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Gần đây, trên trang mạng của Hội Anh em dân chủ đã đăng tải bài viết “Khái niệm tự do và dân chủ đa đảng” với nội dung kích động, lôi kéo người dân gây rối trật tự xã hội, thành lập nhiều hội, nhóm… tiến tới thực hiện dân chủ đa đảng ở Việt Nam, với mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là luận điệu rất thâm độc, sai trái cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn.

Trước hết, cần nhận thức rằng Việt Nam không bao giờ thực hiện chế độ “dân chủ đa đảng”. Việt Nam không thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng không có nghĩa là Việt Nam mất tự do, dân chủ như Hội Anh em dân chủ cố tình quy chụp mà đó là yêu cầu khách quan. Bởi vì: Mục tiêu tối thượng của bất kỳ nhà nước nào, trong đó có Nhà nước Việt Nam, là xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Tuy các khái niệm tự do, dân chủ và nhân quyền có một số giá trị chung cho toàn nhân loại, nhưng cần được hiểu và đánh giá trong những bối cảnh hết sức cụ thể của mỗi quốc gia. Hội Anh em dân chủ cố tình cho rằng cứ đa đảng là có dân chủ và ngược lại chế độ một đảng là không có dân chủ mà không cần hiểu rõ bản chất dân chủ là gì. Những người có kiến thức về dân chủ đích thực đều nhận thức được rõ ràng rằng, dân chủ là quyền tự quyết của nhân dân trước những vấn đề trọng đại của đất nước của dân tộc; do vậy một nền dân chủ thực sự không phụ thuộc và chế độ đa đảng hay một đảng.

Từ ngày thành lập tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chủ có nghĩa “dân là chủ” và “người dân làm chủ”, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là động lực của cách mạng. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực. Trong lãnh đạo đấu tranh cách mạng, trải qua cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sau đó là cách mạng dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Nội dung cơ bản của dân chủ xã hội chủ nghĩa là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ngày nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trước hết nhờ những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam còn là một môi trường hòa bình, ổn định, có quan hệ ngoại giao hữu nghị với các nước, đấu tranh vì tiến bộ trên thế giới. Những thực tế khách quan đó cho thấy bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là một xã hội dân chủ, vì con người, do đó không có luận điệu xuyên tạc nào có thể phủ nhận được.

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *