DẤU ẤN TRÊN HÀNH TRÌNH BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM LÀ KHÔNG THỂ BỊ CHE LẤP
Trong những năm qua, vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn là mảnh đất màu mỡ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Mới đây, nhân sự kiện Việt Nam công bố tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 – 2028, các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam trong đó có nhà đài RFA liền đăng tải các tin, bài thông tin một số tổ chức nhân quyền quốc tế và “giới hoạt động” phản đối việc này vì “hồ sơ nhân quyền tồi tệ” của Việt Nam. Có thể thấy, bằng thủ đoạn quen thuộc là xuyên tạc, phủ nhận hoàn toàn những thành tựu và nỗ lực trong công tác bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam, điều mà RFA nói riêng và các tổ chức thiếu thiện chí hướng tới chính là hòng hạ uy tín của Đảng, Nhà nước ta, nhất là mỗi khi Việt Nam tuyên bố ứng cử vào các cơ chế, tổ chức nhân quyền của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, những thành tựu và nỗ lực quan trọng trong bảo đảm nhân quyền mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua là minh chứng sống động, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo đó.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid – 19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người, đó là điều quan trọng nhất. Đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất và công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam không ngoài mục tiêu cao nhất là bảo đảm cuộc sống và các quyền của người dân Việt Nam. Những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam trong suốt gần 80 năm thành lập nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới là kết quả của chủ trương đặt con người vào trung tâm của mọi chính sách phát triển, cách tiếp cận cân bằng đối với việc thúc đẩy các quyền con người một cách toàn diện, từ các quyền dân sự và chính trị, đến các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, cũng như ưu tiên chăm lo và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bên cạnh nỗ lực to lớn của người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước. Trong đó, có những điểm sáng được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024 của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Báo cáo Phát triển con người (HDR) 2023/24 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khen ngợi Việt Nam nằm trong nhóm phát triển con người cao. Báo cáo Cập nhật tình trạng nghèo và bình đẳng ở Việt Nam năm 2024 của Tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) cho biết, giai đoạn 2016-2020 tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tỉ lệ giảm nghèo đa chiều đã giảm nhanh, bình quân giảm 1,43% mỗi năm. Đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo chung của cả nước đã giảm 2,93%. Theo báo cáo hành chính, chỉ số nghèo nghèo đa chiều Toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã đạt được chỉ số nghèo đa chiều (MPI) xuống một nửa trong vòng 15 năm.
Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm. Với các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tới hết tháng 9/2024, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc là 1,93%, giảm 1%. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6.000 tỉ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việt Nam hiện đứng thứ 54/166 quốc gia được xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững, tăng 1 bậc so với năm 2023. Người dân Việt Nam được hưởng lợi từ những tiến bộ xã hội vô cùng đáng ghi nhận, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 200 USD lên đến hơn 4.000 USD tới năm 2024.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là đại diện của châu Á-Thái Bình Dương được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong 2 nhiệm kỳ; đã và đang tiếp tục thể hiện rõ nỗ lực và trách nhiệm trong năm thứ hai trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; tích cực hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực để thúc đẩy các quyền cơ bản của con người trên toàn cầu.
Trong thư gửi đến Hội thảo khoa học quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước” diễn ra tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Thực hiện quan điểm nhất quán và xuyên suốt về quyền con người là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác,…”. Đó là những dấu ấn trên hành trình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong phát triển đất nước, đảm bảo ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân mà không thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận, che lấp!
(NA)