Để mỗi người dân là một chiến sĩ chống “giặc nội xâm” (Bài 3 – tiếp theo và hết)

Một trong những kinh nghiệm quý báu được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đúc rút sau 35 năm đổi mới là trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; phải dựa vào dân để xây dựng Đảng.

Ảnh minh họa

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện nay cũng phải quán triệt bài học này, làm cho mỗi người dân tự nguyện, tự giác dấn thân trở thành người chiến sĩ chống “giặc nội xâm”.

“Chống tham nhũng là chống giặc”

“Tư tưởng không thông đeo bình tông không nổi”. Để mỗi người dân tự nguyện, chủ động tham gia vào cuộc chiến nóng bỏng, đầy cam go, thử thách này, điều trước tiên Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị phải làm công tác giác ngộ trách nhiệm công dân. Bản chất của hành vi tham nhũng chính là bóc lột, chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Vì vậy, phải làm cho mỗi người dân hiểu rằng, chủ thể chống tham nhũng chính là nhân dân. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra pháp luật vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công”.

Muốn người dân giác ngộ “chống tham nhũng là chống giặc” thì phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN cho các tầng lớp nhân dân. Chủ thể của công tác này nên giao Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên vì Luật PCTN quy định điều này. Giao nhiệm vụ cụ thể cho một chủ thể tuyên truyền, giáo dục sẽ khắc phục được bệnh “cha chung không ai khóc”. Đặc biệt, phải có nguồn lực tài chính hỗ trợ công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ MTTQ cấp cơ sở, thôn, bản, tổ dân phố vì chính những người này gần gũi, sâu sát với người dân, duy trì và tổ chức PCTN bền bỉ từ dưới lên. Nội dung tuyên truyền phải tập trung làm rõ tác hại, hậu quả nặng nề của tham nhũng đối với đất nước, với cộng đồng, người dân và các biện pháp đấu tranh PCTN mà người dân có thể tiến hành; chú ý trang bị các kiến thức về cách nhận diện các biểu hiện của hành vi tham nhũng và cách ứng phó khi các hành vi tham nhũng có thể xảy ra. MTTQ Việt Nam hiện có Chương trình hành động số 3 của nhiệm  kỳ 2019-2024 đã xác định nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng đề án và phát động Cuộc vận động “Toàn dân tham gia PCTN”. Đây cũng là cơ sở để kỳ vọng việc phát huy vai trò của người dân vào PCTN hiện nay.

Hoàn thiện cơ chế bảo vệ người phản ảnh, tố cáo tham nhũng

Theo luật sư Đỗ Duy Thường, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Gần 90% tội phạm mà ngành công an phá án thành công, tin tố giác có giá trị mà người tố giác không ai khác chính là nhân dân. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là hoàn thiện cơ chế bảo vệ người dân phản ảnh, tố cáo tham nhũng.

Thời gian tới, theo Chỉ thị số 27/CT-TW ngày 10-1-2019 của Bộ Chính trị, công tác hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo sẽ được tiếp tục. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo theo hướng cụ thể, đồng bộ, có chế tài xử lý nghiêm khắc, chú trọng các biện pháp phòng ngừa; làm rõ những biểu hiện của hành vi trả thù, trù dập người tố cáo dưới mọi hình thức để làm cơ sở nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này. Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan chỉ đạo ban hành quy định và hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2018 một cách cụ thể, chi tiết, đồng bộ, phân rõ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân bảo vệ người tố cáo; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo và có chế tài xử lý. Ban hành quy định về bảo vệ người phản ảnh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức mà Luật Tố cáo năm 2018 chưa quy định.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, bao che người bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo nhưng không làm tròn trách nhiệm; người lợi dụng quyền phản ảnh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất đoàn kết nội bộ. Động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo. Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả và khắc phục những yếu kém trong công tác bảo vệ người tố cáo.

Báo chí đồng hành

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương: Tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình…

Báo chí phát huy vai trò của người dân trong PCTN trước hết bằng việc dành thời lượng thỏa đáng để đăng tải những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; qua đó, tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của các tầng lớp nhân dân về công tác PCTN.

Hiện nay, MTTQ Việt Nam là cơ quan chủ trì, phối hợp tổ chức Cuộc thi “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí”. Cuộc thi tạo ra không gian, môi trường để các nhà báo, các cơ quan báo chí thể hiện tài năng, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đấu tranh PCTN. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần mở thêm chuyên trang, chuyên mục về PCTN để tuyên truyền nhiệm vụ PCTN, tạo cơ hội để người dân xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các diễn đàn PCTN. Đặc biệt, coi trọng phát huy vai trò nhân dân trong thể loại báo chí điều tra; vạch rõ những dấu hiệu, vụ việc tham nhũng. Đồng thời, coi trọng việc biểu dương, cổ vũ những tấm gương điển hình tiên tiến trong PCTN. Thông tin từ báo chí luôn là nguồn tin quan trọng để các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước vào cuộc, thực hiện PCTN từ bên trong bộ máy của hệ thống chính trị; thực hiện được hai mũi giáp công “trong đánh ra, ngoài đánh vào” trong cuộc chiến chống tham nhũng. Các cơ quan báo chí cần chú trọng rèn luyện đạo đức nghề báo cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; khắc phục các biểu hiện cơ hội, vụ lợi từ nguồn tin PCTN của bạn đọc, của người dân.

“Thế trận lòng dân” chống “giặc nội xâm”

MTTQ Việt Nam do Đảng lãnh đạo, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát huy vai trò của người dân trong PCTN. Cũng như trên nhiều trận tuyến chống các loại “giặc” khác, muốn PCTN thắng lợi, phải xây dựng được “thế trận lòng dân”. Theo đó, MTTQ các cấp cần làm tốt vai trò giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo bảo tính hiệu quả của chúng; đồng thời, ngăn ngừa các loại hành vi tham nhũng chính sách, nhất là những chính sách hướng tới an sinh xã hội cho các đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng các quỹ từ thiện, nhân đạo.

Công tác giám sát quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giám sát hoạt động của chính quyền của MTTQ các cấp cần khắc phục bệnh hành chính; cần làm tốt hơn nữa công tác tiếp nhận, phân loại đơn, thư của công dân để chuyển tải, kiến nghị kịp thời tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như giám sát việc giải quyết các loại đơn, thư đó… MTTQ các cấp cần tích cực phối hợp với HĐND, UBND cùng cấp thực hiện việc giám sát công tác PCTN, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên các khu dân cư; nhắc nhở, đôn đốc hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng trong việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới… Các tổ chức thành viên của MTTQ, như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam… cần chủ động, tích cực thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN đối với thành viên, hội viên thuộc tổ chức của mình, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN; tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhà nước; phối hợp thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của các cấp chính quyền, trong đó có chương trình, kế hoạch PCTN.

Khi chúng ta phát huy được sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng: MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đoàn thể nhân dân vào công tác PCTN một cách thực sự, chủ động, quyết liệt và ổn định lâu dài, đó chính là lúc mỗi người dân thực sự là một chiến sĩ; là lúc hình thành và hoàn thiện thế trận lòng dân; chắc chắn hiệu quả công tác PCTN sẽ từng bước giành thắng lợi, tham nhũng bị ngăn chặn và đẩy lùi, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, góp phần giảm thiệt hại, mất mát mà tham nhũng có thể gây ra; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; từng bước hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc.

NGUYỄN HỒNG HẢI/QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.