ĐOÀN KẾT XUÔI CHỀU – BIỂU HIỆN CỦA SUY THOÁI

Vừa ngồi vào bàn cà phê anh bạn đã báo cáo với cả hội: “Năm nay cũng như mọi năm cơ quan mình tổ chức kiểm điểm cuối năm nhẹ nhàng, tập thể và cá nhân 3 đồng chí lãnh đạo chỉ làm trong hơn 1 tiếng, sau khi lãnh đạo đọc xong bản kiểm điểm, hội nghị không ai có ý kiến gì, nếu có thì nhấn mạnh thêm các ưu điểm của lãnh đạo và cuối cùng là thống nhất cao với bản kiểm điểm”. “Ủa làm cả năm trời mà không ai có thiếu sót, khuyết điểm gì à” lời một anh bạn khác. “Thật ra thì cũng có nhưng nói ra ngại chẳng anh nào dám nói “dĩ hòa vi quý” ông ơi”.

Ở một số nơi hiện nay tuy được xem là “đoàn kết” nhưng thực chất vẫn có tình trạng cán bộ, đảng viên, nhân viên cấp dưới rất ngần ngại khi phát biểu trung thực, thẳng thắn, sợ nêu chính kiến, sợ mất lòng cấp trên và nhiều nỗi sợ vô hình khác. Đó thực chất là kiểu “đoàn kết xuôi chiều”, một biểu hiện của sự suy thoái rất đáng lo ngại cần được quan tâm chỉ ra và triệt để khắc phục.

Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức không gây hại tức thì, không biểu hiện rõ ràng như hiện tượng mất đoàn kết, nhưng nó gây hại cho tổ chức đảng một cách từ từ, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đoàn kết xuôi chiều nếu không được khắc phục, ngăn chặn kịp thời có thể sẽ dẫn đến nảy sinh các hiện tượng như “nể nang”, “né tránh, không dám đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái tốt, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”, dẫn đến tình trạng mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Dân chủ hình thức sẽ làm triệt tiêu sự sáng tạo, những sáng kiến của Nhân dân, của tập thể tổ chức đảng; dân chủ hình thức lâu ngày sẽ dẫn đến làm giảm ý nghĩa, thậm chí dẫn đến xuyên tạc bản chất của dân chủ thực sự, giảm lòng tin của Nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với dân chủ thực sự.

Biểu hiện của “đoàn kết xuôi chiều” là trong sinh hoạt Đảng, đảng viên thường có ý kiến xuôi chiều, phụ họa theo ý kiến của lãnh đạo (nhất là người đứng đầu tổ chức đảng); không dám thể hiện chính kiến, sợ va chạm, sợ mất lòng, không được sự ủng hộ của đồng nghiệp; tổ chức lấy ý kiến của tập thể, nhưng khi tổng hợp, báo cáo, ý kiến lại không đầy đủ, trung thực hoặc loại bỏ những ý kiến quan trọng trái với suy nghĩ của lãnh đạo;lấy ý kiến quần chúng, tập thể những việc mà họ không có đầy đủ thông tin, khiến họ không thể đưa ra quyết định theo sự lựa chọn của riêng mình.

Đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh do nhiều nguyên nhân, từ những ảnh hưởng của nếp nghĩ cũ, sợ rằng “sự thật mất lòng” nên không dám nói điều phải trái; từ trình độ, nhận thức không đồng đều trong một tập thể; từ môi trường công tác, làm việc. Có những nơi vì thủ trưởng gia trưởng, không muốn nghe những điều trái tai dẫn đến tình trạng dù có nhiều ý kiến nhưng vẫn là chủ kiến của cấp trên. Có thủ trưởng tỏ ra dân chủ, trong cuộc họp, ông nêu vấn đề và bảo: “Các đồng chí cứ tranh luận thoải mái”, nhưng người dự họp thừa biết tính ông, nếu tranh cãi thì trước sau cũng sẽ bị định kiến, trù dập. Khi có đại biểu cấp trên dự các buổi sinh hoạt phê bình, kiểm điểm, thì chuyện nội bộ luôn được giữ kín, “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Lâu dần các sinh hoạt tập thể đều như một cái khuôn, toàn là ý kiến minh họa chủ tọa, theo kiểu “thủ trưởng luôn đúng”.

Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức là căn bệnh mãn tính, gây hại không kém gì so với mất đoàn kết nội bộ; luôn nói theo hoặc giữ thái độ im lặng là đã suy thoái trong nhận thức và hành động. Tuy không gây nguy hiểm ngay, nhưng nó phá hoại sức mạnh của Đảng, sức mạnh của các tổ chức, cơ quan, đơn vị một cách thầm lặng. Nó là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cơ hội tiếp tục phát triển. Nó khiến cho đúng – sai, phải – trái nhập nhòa.

Trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng đoàn kết xuôi chiều và dân chủ hình thức. Hội nghị lần thứ 4 của các nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và XIII của Đảng ta, Trung ương đều ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trong đó trọng tâm là chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đánh giá rất cụ thể, rõ ràng về nguyên nhân, tác hại và những giải pháp khắc phục tình trạng “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”. Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm”. Cụ thể hơn, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bổ sung một số quy định mới về những điều đảng viên không được làm, trong đó, điều thứ 3 quy định đảng viên không được “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.

 “Đoàn kết xuôi chiều” như “sợi dây cháy chậm” đã bị châm lửa đang được kết nối với “khối thuốc nổ”, nếu không kịp thời phát hiện và dập tắt nó có thể phá vỡ nội bộ từng tổ chức, từng cơ quan. Để khắc phục tình trạng đó nhằm xây dựng khối đoàn kết thống nhất thực chất trong Đảng nhất thiết phải quán triệt và thực hiện đúng tinh thần: “Tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng” và “dọc ngang thông suốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

(NVS)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.